Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý 3, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 39 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 11% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Đây có thể xem là một nỗ lực cao độ của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam đánh giá: “Dệt may Việt Nam đi theo chiến lược sản xuất mặt hàng có kỹ thuật khó, đơn hàng có kích cỡ vừa và nhỏ phù hợp với kích cỡ sản xuất của Việt Nam. Chính vì thế, chúng ta phải chọn những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh nhất.
Việt Nam hiện nay đúng là mạnh nhất là kéo sợi cotton, dệt vải hoàn tất cotton. Như vậy, chúng ta sẽ hình thành nên những dòng nguyên liệu mà Việt Nam có thể chủ động chứ chúng ta không có dự kiến chủ động tất cả mặt hàng nguyên liệu của thế giới”.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, Hiệp hội xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo ba kịch bản.
Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022, các doanh nghiệp tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ đô la Mỹ.
Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trung bình 40 – 41 tỷ đô la Mỹ, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm.
Kịch bản 3, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 – 39 tỷ đô la Mỹ.