Thanh toán không tiền mặt: Xu hướng của tương lai

(VOH) - Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng hơn 26% về số lượng và gần 16% về giá trị.

Thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 3% về số lượng và gần 46% giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 3/2020, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành đạt mức trên 100 triệu thẻ… Qua đó cho thấy, những ứng dụng thanh toán hiện đại trên thế giới đã được các Ngân hàng Nhà nước triển khai cung ứng trên thị trường. Trong đó ứng dụng mobile banking tiện lợi, dễ sử dụng và được các ngân hàng không ngừng nâng cấp, cập nhật tiếp cận với tiến bộ công nghệ mới nhất như: xác thực vân tay, khuôn mặt... và được tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng… Thông tin được nêu tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” vào sáng 12/6.

Thanh toán qua kênh Internet, Thanh toán không tiền mặt, Thanh toán

Khách tham quan thử các ứng dụng thanh toán bằng công nghệ

Thống kê 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kì năm 2019. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt lượng truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Mùa dịch này đặt hàng và thanh toán trước qua app cũng tăng dần. Với thị trường internet giá trị trên 20 tỉ đô la Mỹ, trong thời gian sắp tới nếu khuyến khích thanh toán không tiền mặt thì cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được thuế, minh bạch thông tin.

Nhấn mạnh đến hạ tầng thanh toán không tiền mặt đã đem lại hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, tổng doanh số thu được từ hình thức online không tiền mặt là hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019. Mới đây, Vietjet Air khai trương 8 đường bay mới, cũng sử dụng hình thức thanh toán online khi hãng này tung ra 2 triệu vé với giá bán chỉ 8 ngàn đồng đã kích thích số người vào trang web ngày càng nhiều để săn vé giá rẻ. Thậm chí tạo ra thói quen săn vé giá rẻ của giới văn phòng vào giờ nghỉ trưa. Chương trình mua vé online thanh toán không tiền mặt này đã tạo nên sức hút lớn đối với thị trường vé máy bay sau dịch.

Chương trình "Ủng hộ nông sản Việt", được thử nghiệm ban đầu với vải là ý tưởng táo bạo, từ sự hợp tác giữa nhà bán lẻ, công nghệ ví và cơ quan truyền thông, điều ban đầu nhà bán lẻ chưa hề nghĩ đến. Thế nhưng, chỉ trong 2 ngày đầu tiên, trung bình mỗi giờ đã có 500kg vải được bán đưa con số vải bán ra đạt được hơn 22 tấn. “Định hướng tạo ra những ví riêng của mình cũng là định hướng mà các nhà bán lẻ trên thế giới họ cũng đang đi, tuy nhiên, Saigon Co.op không nhất thiết phải có ví riêng vì chi phí đầu tư khá lớn. Chúng tôi đang hợp tác với các đơn vị khác thì cũng thể hiện hướng đi riêng đó.”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay.

Khi có chủ trương của UBND thành phố và đã được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thành phố, sự song hành, vào cuộc của Sở Giáo dục TP.HCM, Ngân hàng Sacombank đã triển việc nộp học phí không tiền mặt đến từng lớp học, đến nay đã được triển khai đến hơn 300 trường với hơn 200.000 thẻ học đường được phát hành và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần. Không chỉ ở TP.HCM, Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Tháp sau đó cũng đã mời ngân hàng này đến trình bày, phổ biến về phương thức thanh toán học phí không tiền mặt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định, mục tiêu của TP.HCM hướng tới xây dựng một xã hội không tiền mặt. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, đến nay, hai đối tượng quan trọng nhất là phụ huynh học sinh và người bệnh đã thanh toán tiền học phí và viện phí qua hình thức online. Theo đó, ngành giáo dục đã triển khai được 80%, 400 trường học công của thành phố thực hiện thu phí qua phần mềm học phí và dữ liệu họ phí, và phụ huynh cũng có thể đóng học phí qua các kênh ngân hàng.

“Thành phố cũng xin kiến nghị với các bộ ngành, đặc biệt là ngân hàng nhà nước Việt Nam sớm ban hành hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, dịch vụ công nghệ mới. Hiện nay, người dân vẫn lo ngại chi phí dịch vụ mà người dân phải thanh toán”- Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nói.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu và dự kiến trong tháng 6 này sẽ trình Thủ tướng ban hành nghị định thay thế các nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, một loạt quy định mới về các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng tiền điện tử, quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán...

Bình luận