Sáng 12/6, hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam khai mạc tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không tiền mặt. Trong đó, hai mục tiêu quan trọng mà TPHCM hướng tới là người bệnh và học sinh đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Hiện có 80% trường học ở thành phố đã áp dụng thu học phí không bằng tiền mặt và có 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong thời gian tới, các dịch vụ công tại thành phố sẽ không dùng tiền mặt.
Ở lĩnh vực y tế, việc thực hiện thu không tiền mặt khiêm tốn hơn, chỉ đạt khoảng 50%. Một số bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng… đã áp dụng các phương thức thanh toán điện tử. Người dân không phải đi từ 6 giờ để xếp hàng, chờ đợi khám bệnh và nộp viện phí. Những tiện ích này tạo thuận lợi rất lớn cho người bệnh.
Trong thời gian tới, tại TPHCM, các dịch vụ công sẽ không dùng tiền mặt theo chỉ thị 22 của Chính phủ. Đồng thời UBND TPHCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành hành lang pháp lý để các ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân không phải lo chi phí khi phải thanh toán điện tử.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực về thanh toán không tiền mặt. Kỳ vọng đến năm 2021, tỷ lệ các trường học, bệnh viện sẽ sử dụng không tiền mặt tăng lên 60 – 70% trên cả nước.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước, Ngày không tiền mặt (16/6) hằng năm là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo bà Sen, các Đề án có đề cập đến 3 trụ cột cơ bản trong phát triển thanh toán toán không tiền mặt là: hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán) và truyền thông. Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án trên cần sự đồng bộ của 3 trụ cột này. Trong đó, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.
Bà Sen cho biết, đối với truyền thông về thanh toán toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán toán không tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, đặc biệt truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng.