Đồng thời, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về lao động để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động, tiền lương và cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp; quy định thời hạn để doanh nghiệp thực hiện xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện khi có thông báo các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi cần thực hiện các thủ tục để được hưởng chế độ; công tác truyền thông về việc tăng lương tối thiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng phải đúng thời điểm, rõ ràng, chính thức nhằm tránh gây những hiểu lầm từ phía người lao động và người sử dụng lao động.
Hơn 100.000 lao động ở TPHCM bị ảnh hưởng việc làm vì COVID-19. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online
Khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.
Về phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn TP, UBND TP thống nhất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng như hiện nay. Cụ thể, các quận và 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I; riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II.
Việc giữ nguyên phân vùng như hiện nay nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương (hiện trên địa bàn huyện có khoảng 327 doanh nghiệp); đồng thời tạo sự hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng lao động (doanh nghiệp) với người lao động trong thỏa thuận tiền lương, khuyến khích người sử dụng lao động thuộc các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Giá cả sinh hoạt và mức sống đa số nhân dân trên địa bàn huyện còn thấp so với các quận, huyện còn lại của TP.