Chờ...

TPHCM: Hơn 100.000 người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19

(VOH) -  Báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết có 101.982 người lao động tại TPHCM phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo UBND TPHCM, tính đến ngày 18/5/2020, trên địa bàn TP có 6.939 doanh nghiệp (DN) rà soát, điều chỉnh thang lương, bảng lương và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP để giám sát theo quy định.

100.000 người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19

Tại TPHCM có hơn 100.000 người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh minh họa

UBND TP cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đã giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp người lao động gắn bó với DN hơn. Đồng thời, thông tin về phương án đề xuất mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2020 của Chính phủ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông tin, lấy ý kiến rộng rãi nên tạo điều kiện cho DN chủ động trong xây dựng kế hoạch tiền lương cho năm tài chính tiếp theo.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền lương của DN vẫn còn những hạn chế. Đó là từ đầu năm 2020 đến nay, do diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp, hầu hết các loại hình DN đều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, rất nhiều người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí bị mất việc làm (theo thống kê sơ bộ đến ngày 14/4, trên địa bàn TP có 101.982 người lao động trong các DN phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). 

Để việc triển khai thực hiện quy định về tiền lương tối thiểu vùng đạt hiệu quả, UBND TP đề xuất trước bối cảnh các DN và người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho DN, cũng như người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, giúp DN giữ chân người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Cần có quy định cụ thể về thời hạn để DN thực hiện xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tránh trường hợp DN chỉ thực hiện khi có thông báo các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi cần thực hiện các thủ tục để được hưởng chế độ... nhằm tạo sự công bằng giữa các DN trong việc thực hiện pháp luật lao động. 

Đồng thời, khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: Sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.

Lốc xoáy quét đổ sập xưởng gỗ, 3 người thiệt mạng - (VOH) - Chiều tối 10/6, tại tỉnh Vĩnh Phúc một xưởng gỗ bị lốc xoáy quét đổ sập làm 3 người chết nhiều người bị thương.