Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2020, Sở Xây dựng TPHCM phê duyệt 12 dự án, giảm 25% so với cùng kỳ so với năm 2019. Với số lượng dự án được phê duyệt nói trên, có hơn 3.800 căn được công bố ra thị trường. Điều đáng nói là số căn hộ ở phân khúc cao cấp chiếm hơn 63% với hơn 2.400 căn hộ. Đánh giá chung từ Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, hiện tại nguồn cung căn hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Để cải thiện vấn đề này, Sở Xây dựng đang xây dựng nhóm giải pháp để đáp ứng nhu cầu cho cho 1 triệu người dân tăng mới đây tại TP; cũng như lắng nghe ý kiến, góp ý của các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hoàng Thanh
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đến gần hết quý 2/2020 nguồn cung bất động sản sụt giảm không chỉ do COVID-19 mà còn bị ảnh hưởng chính sách từ trước đó. Để tháo gỡ các khó khăn này, từ đầu năm 2020 đến nay đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra. Dự kiến, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Theo tính toán của Bộ Xây dựng trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa. Đồng thời, vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cũng sẽ được rút ngắn hơn so với các dự án nhà ở thương mại.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.phát biểu.
Tại buổi toạ đàm, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, hiện chưa có quy định chung nào thực hiện thủ tục các dự án bất động sản, thậm chí có quy trình với các bước 1, 2, 3, 4 nhưng đến bước 4 bị tắc thì lại quay vòng về từ đầu, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức. Điển hình như, tập đoàn Hưng Thịnh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định trước tháng 7/2014, nếu có điều chỉnh công năng dự án thì vẫn đủ điều kiện để được cấp sổ hồng nhưng các bộ, ngành đều e dè vì lý do điều chỉnh. Và đơn vị nào cũng hỏi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa dẫn đến tình trạng hiện nay nhiều cư dân mua căn hộ của tập đoàn vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng giải thích, liên quan đến quy trình giải quyết các vấn đề của dự án thì mỗi luật có quy định một mảng riêng nhưng không có luật nào quy định 1 quy trình chung, do đó đề nghị TPHCM soạn thảo và Bộ Xây dựng sẽ tham gia cho ý kiến và có thể hỏi thêm các bộ ngành khác. Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Ninh nhấn mạnh nguyên tắc chung là người dân phải được cấp sau khi mua bán xong, còn vướng mắc về thủ tục của chủ đầu tư thì các địa phương phải xử lý sau. Quy định chung về điều kiện cấp giấy hồng là thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường và tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu vướng mắc chỗ nào thì Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp nhận giải quyết vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những yếu tố cần phải ưu tiên cấp để đảm bảo tính pháp lý của căn hộ.
Các chuyên gia cũng cho biết, với những khó khăn về mặt pháp lý dẫn đến nguồn cung sản phẩm khan hiếm khiến giá bất động sản hậu COVID-19 vẫn không giảm nhiệt. “Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp. Và cơ hội đầu tư để sinh lời vẫn có cơ sở” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nhận định.
Lốc xoáy quét đổ sập xưởng gỗ, 3 người thiệt mạng - (VOH) - Chiều tối 10/6, tại tỉnh Vĩnh Phúc một xưởng gỗ bị lốc xoáy quét đổ sập làm 3 người chết nhiều người bị thương.