Chờ...

Thông quan xuyên Tết và ngừng xét nghiệm COVID-19 với hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc-Việt Nam

(VOH)-Trung Quốc gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm COVID-19 với hàng hóa nhập khẩu, mở cửa khẩu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tết Dương lịch và tết Nguyên đán 2023.
Thông quan xuyên Tết và ngừng xét nghiệm COVID-19 với hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc-Việt Nam 1
Xe hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Đây được cho là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi chuỗi cung ứng trở nên thuận lợi hơn, chi phí đầu vào giảm xuống còn đầu ra của hàng hóa thông thoáng hơn sau gần ba năm gián đoạn vì COVID-19.

Hàng hóa thông suốt trong tết nguyên đán 2023

Theo Bộ Công Thương, ngày 30/12/2022 Văn phòng cửa khẩu Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thông báo sẽ duy trì thông quan trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm liên quan đến COVID-19 với hàng hóa nhập khẩu.

Đây là động thái nhằm thực hiện “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” trong tháng 11/2022, đảm bảo cho hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng được duy trì thông suốt, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu của hai nước.

Từ ngày 31/12/2022 - 2/1/2023, cửa khẩu Hữu Nghị Quan (bao gồm lối mở Pò Chài, Lũng Vài), cửa khẩu Ái Điểm và Khu thương mại cư dân biên giới Đông Hưng triển khai bình thường các nghiệp vụ kiểm tra kiểm nghiệm hàng hoá thông quan, các cửa khẩu biên giới khác sẽ thông quan theo nhu cầu thực tế.

Từ ngày 21/1 - 27/1/2023 (tức ngày 30 Tết đến mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2023), tất cả cửa khẩu biên giới trên địa bàn Quảng Tây thực hiện thông quan hẹn trước.

Trước đó, ngày 28/12/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống COVID-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh) từ ngày 8/1/2023.

Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc tái mở cửa

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, thông tin mở cửa biên giới từ đầu tháng 1/2023 được cho là một tín hiệu tích cực đối với hoạt động giao thương của Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2023.

Thông quan xuyên Tết và ngừng xét nghiệm COVID-19 với hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc-Việt Nam 2
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu

Nhận định từ Công ty CP chứng khoán VNDirect, nhóm hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại là ngành thủy sản, cao su...Đây là các mặt hàng chịu tác động mạnh từ việc đóng-mở biên giới của Trung Quốc.

Ngành thủy sản dù hạn chế nhiều trong nửa đầu năm 2022 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu toàn ngành trong năm 2023. 

Không chỉ tác động đến các mặt hàng nông sản, thị trường Trung Quốc còn được kỳ vọng đem lại lối thoát cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu đơn hàng trong lĩnh vực như dệt may, da giày, gỗ...

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48%, vì vậy, việc nước này mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu của ngành dệt may tại Việt Nam. Hơn nữa, lạm phát tại Mỹ, thị trường chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, được dự báo giảm về mức khoảng 2-4% trong năm 2023 cũng sẽ là yếu tố phục hồi cho ngành dệt may, đặc biệt là mảng sợi.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng doanh nghiệp gạo của Việt Nam sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu do Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo số 1 sang Trung Quốc, đã áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo từ đầu tháng 9/2022. Nhờ đó các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để thay thế, qua đó sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này.