Hội nghị do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP phối hợp với Sở Xây dựng TP tổ chức vào sáng 30/8 xoay quanh lĩnh vực bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thành phố, ngành xây dựng đã tăng 7,24%, đóng góp 0,31%. Riêng ngành kinh doanh bất động sản tăng trưởng 5,32%.
Con số này cho thấy ngành xây dựng có đóng góp rất tích cực trong cư cấu kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những phát triển không ngừng trong lĩnh vực bất động sản, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Trong tổng số khoảng 1.000 chung cư trên địa bàn thành phố có khoảng 100 chung cư đang có tranh chấp, vẫn còn nhiều vụ tranh chấp chấp gay gắt, kéo dài.
Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Thành lập ban quản trị chung cư; bàn giao và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư; chất lượng xây dựng chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung - sở hữu riêng, chỗ để xe; chậm bàn giao căn hộ; chậm làm "sổ đỏ" cho người mua căn hộ.
Việc thu 2% phí bảo trì chung cư hiện nay còn nhiều bất hợp lý? Ảnh: internet
Xoay quanh vấn đề phí bảo trì 2%, ông Nguyễn Văn Đồi, Giám đốc Công ty Cổ phần & Xây dựng SSG 2 nêu những bất cập của công ty: "Chúng tôi là chủ đầu tư, chúng tôi muốn bàn giao cho Ban quản trị tiền quỹ bảo trì của dự án, thường lên đến 40 – 50 tỷ, có khi 100 tỷ. Nghị định 99 của Chính Phủ yêu cầu Bộ Công an phải khắc con dấu cho Ban quản trị, nhưng Phòng hành chính quản trị vẫn trả lời rằng đang chờ hướng dẫn".
Trả lời vấn đề khúc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng quản lý nhà ở và công sở, Sở Xây dựng TPHCM giải thích thêm, theo quy định, về mặt pháp lý thí UBND Quận là đơn vị công nhận Ban quản trị và khi nào có con dấu mới có thể hoạt động hay mở tài khoản trong ngân hàng:
"Hiện chưa biết Ban quản trị liên hệ vấn đề con dấu với Công an thành phố như thế nào? Báo cáo với lãnh đạo Sở tiếp tục có văn bản với Công an thành phố hoặc họp làm việc với Công an thành phố để có xác định chính thức".
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thì, việc thu 2% phí bảo trì chung cư hiện nay còn nhiều bất hợp lý, dễ tạo lỗ hỏng để các cá nhân trục lợi bất chính:
"Phí bảo trì 2% tính theo giá bán là quá lớn, mà đáng lý ra phí bảo trì trên phần xây dựng thì phải tính trên chi phí xây dựng thôi... nhà mà 2% tiền phí đó là bị đóng băng, lãng phí tài sản xã hội rất lớn, đưa đến sự trục lợi, lạm dụng".
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn nhìn nhận: "Bên cạnh những mặt được trong quá trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà chung cư trên địa bàn thành phố. Về trách nhiệm quản lý, chúng tôi thừa nhận những vấn đề mới xảy ra bất cập, suy cho cùng là bắt nguồn từ năng lực quản lý".
Ngoài ra, các doanh nghiệp cùng ngành chức năng còn trao đổi thêm các vấn đề: quy định hợp đồng mua bán bất động sản, quyền mua nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, thủ tục cấp giấy chứng nhận hành nghề trong lĩnh vực xây dựng đối với tổ chức, cá nhân; đăng ký kinh doanh căn hộ cho thuê, hợp đồng tư vấn xây dựng, thủ tục cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án.