Tìm hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản đang gặp khó

VOH - Xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua giảm gần 30% chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Cần những giải pháp đồng bộ khả dĩ đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023.

Năm 2022 lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam chạm mốc 11 tỷ USD nhưng đến những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh ở tất cả các thị trường và tất cả các mặt hàng, trong đó giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm, giảm gần 40%.

Điều này cho thấy ngành thủy sản Việt sẽ có một năm cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho nhiều, xuất khẩu thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

Tìm hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Khó khăn chồng khó khăn
Nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: KTĐT

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022, giảm sâu từ 10-50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính, thị trường Mỹ giảm mạnh nhất hơn 50%.

Tôm là mặt hàng bị sụt giảm mạnh nhất 34%, cá tra giảm 30%. Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ đều giảm mạnh. 

Xuất khẩu cá ngừ cũng gặp tình trạng tương tự, 5 tháng đầu năm giảm 31%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc 5 tháng đầu năm cũng giảm 13%.

uất khẩu thủy sản Việt Nam: Khó khăn chồng khó khăn
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Khó khăn chồng khó khăn - Ảnh minh họa

Xuất khẩu giảm theo ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh do nguồn cung tôm từ Ecuador, Ấn Độ rẻ hơn từ 20-30% so với Việt Nam, lạm phát gia tăng, hầu hết các nước, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Vấn đề chiến tranh Nga và Ucraina kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý chung.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã và đang dè chừng, thu hẹp sản xuất, người nuôi trồng thủy sản chưa có niềm tin khả quan từ thị trường để mạnh dạng nuôi trồng.

Trước những thách thức đó, cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã nhận thức và có những giải pháp nhất định cho mình.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - chuyên về tôm, hiện nay vấn đề con giống tôm đầu vào bị nhiễm khuẩn từ trại giống có tỷ lệ khá cao, làm tôm chậm lớn, người nuôi phải chấp nhận giá bán thấp theo giá thế giới, trong khi giá thành đầu vào thì lại cao, nên dù trúng mùa tôm vẫn không có lời hoặc có thể bị lỗ.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, một nguyên nhân nội tại nữa là người nuôi trồng thủy sản chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ, nuôi cá tra vẫn còn nhỏ lẻ, quản lý dịch bệnh chưa tốt, chưa chú trọng công tác phát triển giống.

Theo bà Tâm hiện nay chưa có nhiều cơ sở sản xuất cá tra giống đạt Giấy chứng nhận sản xuất và nuôi dưỡng giống thủy sản.

Về khai thác thủy sản, theo bà Cao Thị Kim Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, việc khai thác phải song song với bảo tồn để phát triển lâu dài, cần có chính sách đối với nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Tìm hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản - Bài 1: Khó khăn chồng khó khăn 3
Lồng cá giống của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản I tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. - Ảnh: Danviet

Khó khăn cho doanh nghiệp khi tồn kho quá nhiều làm dòng tiền bị tắc nghẽn trong khi bị lãi suất cao.

Ông Hàng Văn, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang đề nghị, phải giảm lượng tồn kho bằng cách giảm mùa vụ tiếp theo, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để cân đối cho mùa vụ tới. Làm thế nào để kéo giá nguyên liệu bằng những năm trước. 

Trao đổi với VOH, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định cuối quý 3 đà xuất khẩu có thể phục hồi bằng năm 2022, nếu điều hành linh hoạt có khả năng đến quý 4 sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, nóng và gay gắt nhất bây giờ là tín dụng. Từ lãi suất, quy mô và thời gian vay vốn đều khó. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất, tăng room tín dụng và thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng.

Trong tình trạng phải dự trữ nguyên liệu thì thời gian dự trữ phải đảm bảo tương ứng với thời gian vay. Đây là yếu tố cần thiết để quyết định cho một năm tài chính và một năm sản xuất, ông Tiến chia sẻ.

Tìm hướng đi mới cho xuất khẩu thủy sản đang gặp khó 4
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra, khảo sát thực tế tại tỉnh Bến Tre - Ảnh: Báo Đồng Khởi

Phải tính toán quy trình canh tác, thú y, phòng bệnh, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đặc biệt là chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Thứ trưởng Tiến cho biết, Bộ đã kiến nghị nhiều lần với Chính phủ phải đầu tư cho hạ tầng thủy sản để đảm bảo được năng suất, chất lượng của vật nuôi nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành hàng.

Để nâng cao sức cạnh tranh, chúng ta phải chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc. Đây là cách tiếp cận với các thị trường khó tính, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo được tiêu chí của các thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Bình luận