Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tín dụng tiêu dùng vẫn chảy vào bất động sản

(VOH) - Quy mô thị trường ngân hàng bán lẻ tại TPHCM lớn nhất trên cả nước, tính cuối tháng 10/2018, dư nợ tín dụng tiêu dùng đang chiếm 19,4% tổng dư nợ trên địa bàn TPHCM.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đưa ra tại “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2018” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức.

Lĩnh vực tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ nhưng chiếm phần lớn là cho vay nhà ở, khiến cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng chưa được nhìn nhận đúng đắn trong thời gian qua.

Cụ thể, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính liên quan đến lĩnh vực bất động sản, chiếm 38-40% tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM.

Với quy mô tín dụng tiêu dùng vào khoảng 400.000 tỉ đồng, tín dụng có liên quan tới bất động sản đạt khoảng 116.000- 180.000 tỉ đồng. 

Tín dụng tiêu dùng, bất động sản, vay ngân hàng

Ảnh minh họa: Vietnambiz

Một hạn chế khác của tín dụng tiêu dùng là lãi suất cho vay. Đối với các công ty tài chính, lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất là 20%/năm, phổ biến từ 30-40%/năm, có công ty tài chính đưa lãi suất cho vay lên tới 60 %/năm.

Dù đây là khoản cho vay nhỏ, nhiều rủi ro nhưng lãi suất quá cao ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ của người vay, mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với lãi suất của các ngân hàng. Bên cạnh đó, văn hoá đòi nợ của các công ty tài chính cũng tạo ra sự phản cảm trong xã hội.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của cho vay tiêu dùng trong điều kiện tín dụng bị hạn chế khiến tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị giảm sút. Nếu năm 2015- 2016 trở về trước, trong tổng dư nợ cho vay của TPHCM có đến 78% vốn dành cho sản xuất kinh doanh, 12% dành cho bất động sản, 10% dành cho tiêu dùng, hiện cơ cấu này đã thay đổi, cho vay bất động sản giảm nhẹ còn 11%, cho vay tiêu dùng tăng tới 19,4%, cho vay đối với sản xuất kinh doanh chỉ còn hơn 70%.

Định hướng từ năm 2019 và các năm tiếp theo về phát triển tín dụng trên địa bàn TPHCM, các ngân hàng trên địa bàn TPHCM phát triển phải căn cứ vào tình hình đổi mới của hệ thống ngân hàng, gắn liền với mục tiêu tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Các ngân hàng phát triển lĩnh vực bán lẻ cũng cần dựa vào tái cơ cấu quản trị, tái cơ cấu năng lực tài chính, sản phẩm, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu mạng lưới, nhân sự.

Việc phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ gây thiếu vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cần cân nhắc cân đối vốn, ngân hàng không được phép nói thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Thêm nữa, việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phải mang tính khác biệt, mang lại giá trị gia tăng và tối đa hoá lợi ích khách hàng để tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Các ngân hàng phải công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của ngân hàng, xây dựng hình ảnh và thương hiệu và tạo niềm tin cho khách hàng.

70% giao dịch nhà ở cao cấp do giới đầu tư chi phối - Trong 5 năm qua, hầu hết nhà ở cao cấp tại TPHCM và Hà Nội được giới đầu tư thu mua.

Thị trường chứng khoán 30/11/2018: Diễn biến hai sàn trái triều, Vn-Index mất mốc 925 điểm - Sau những phút hưng phấn vào đầu phiên giao dịch ngày 30/11/2018, lực bán bắt đầu gia tăng dần, thị trường đảo chiều quay về giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Vn-Index mất điểm.

Bình luận