Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng gần 14%

(VOH) - Tính đến ngày 31/12/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 14% so với cuối năm 2020.

Chiều 15/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại TPHCM.

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020.

tin-dung-toan-nen-kinh-te-nam-2021-tang-gan-14-so-voi-cuoi-nam-2020-voh.com.vn-anh1
Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng gần 14% so với cuối năm 2020. (Ảnh minh họa: internet)

Tính đến ngày 31/12/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 14% so với cuối năm 2020. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Tính đến ngày 27/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 780.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 300.000 tỷ đồng; Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng hơn 600.000 tỷ đồng.

Trước đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Còn số liệu NHNN đưa ra đến cuối tháng 10/2021, con số này là 8,7% và cuối tháng 9 là 7,17%.

Như vậy, chỉ trong gần 1 tháng 12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế tăng đến 2,8% so với tháng 11/2021 và tăng 4,27% so với tháng 10/2021...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian giãn cách xã hội, tín dụng của ngành ngân hàng giảm 0,23% trong cả tháng 9/2021, chỉ tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng thì tín dụng bắt đầu tăng tốc trở lại từ tháng 10/2021.

Trong 2 tháng (10 và 11/2021) khi phần lớn các địa phương mở cửa trở lại, tín dụng tăng gần 3%, bằng gần một nửa 3 quý trước đó, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. “Tăng cường kiểm tra giám sát cung ứng dòng tiền vào lĩnh vực của các ngân hàng thương mại để làm sao chủ yếu hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện tập trung nguồn lực cho phù hợp. Tất nhiên không có nghĩa là tất cả không vào bất động sản, vào những lĩnh vực đầu cơ có tính chất rủi ro, dự án lớn. Thế còn bất động sản phục vụ cho dự án nhà ở xã hội, nhu cầu sinh hoạt... thì vẫn là những đối tượng cần đáp ứng”, ông Tú nói.