Các tổ chức tín dụng phải triển khai thật tốt Thông tư 14 của Thống đốc ngân hàng nhà nước

(VOH) – Các đối tượng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 sẽ được cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi tiền vay, miễn giảm tiền vay mới trong một gói hỗ trợ khoảng 70.000 tỉ đồng trong quí 4/2021.

Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao. Gói hỗ trợ tín dụng với khoảng 70.000 tỉ đồng sẽ được các ngân hàng thương mại triển khai trong quí 4 này hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh. Theo đó, các đối tượng bị thiệt hại bởi dịch Covid-19 sẽ được cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi tiền vay, miễn giảm tiền vay mới. Ước tính nếu tổ chức tín dụng làm tốt, có thể hỗ trợ 1 triệu tỷ đồng với khoảng 400.000 doanh nghiệp được hỗ trợ từ cơ chế này. VOH đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM chung quanh cam kết thực hiên gói hỗ trợ này đạt hiệu quả thực sự

ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM
Ông Nguyễn Hoàng Minh. Ảnh minh họa

*VOH: Thưa ông, trước tác động của đại dịch ảnh hưởng lên toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM đã những giải pháp như thế nào hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh và người dân chia sẻ khó khăn?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, các phương án sản xuất kinh doanh để vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Vừa qua, ngành ngân hàng Thành phố trong những tháng cuối năm tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất, chúng tôi tập trung yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai thật tốt và có hiệu quả thông tư 14 của Thống đốc ngân hàng nhà nước được ký vào 7/9/2021 và cũng có hiệu lực ngay từ ngày ký. Với việc triển khai có hiệu quả này thì hầu như các đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 sẽ được cơ cấu lại nợ, sẽ được miễn giảm lãi tiền vay, giảm lãi phí và cho vay mới. Chúng tôi ước tính, nếu các tổ chức tín dụng làm tốt thì sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng, cùng với hơn 400.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ từ cơ chế này.

*VOH: Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế giám sát như thế nào để các tổ chức tín dụng thực thi việc cam kết giãn, giảm, lãi vay cho doanh nghiệp, thưa ông?

Chúng tôi bắt buộc các tổ chức tín dụng phải làm thật tốt, thật hiệu quả. Nếu anh nào làm không tốt thì chúng tôi sẽ giám sát, chế tài như: hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, hạn chế mở rộng mạng lưới… Thứ hai, chúng tôi tổ chức giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, khi các doanh nghiệp thương mại đã đồng thuận với ngân hàng, giảm bình quân 1% trên dư nợ hiện hữu tính từ ngày 1//7/2021 vừa qua.

*VOH: Như vậy, mức lãi suất cho vay sẽ được giãn, giảm như thế nào, thưa ông?

Có 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm 1% trên dư nợ hiện hữu đối với lãi suất cho vay của các đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, tùy theo ngân hàng, có đơn vị có đối tượng giảm 0,2%, 0,5% hoặc có đối tượng giảm nhiều hơn 2%, 2,5%. Nhưng bình quân 1% thì chúng tôi cho rằng việc giảm dư nợ, giảm lãi suất cho vay này, đây là hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, hỗ trợ rất thiết thực vì họ được giảm chi phí về tiền lãi, giảm chi phí về tài chính, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của đơn vị.

Chúng tôi tiếp tục thực hiện, triển khai việc kết nối doanh nghiệp ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng của ngân hàng một cách ưu đã nhất, thuận lợi nhất.

*VOH: Điều kiện vay vốn hiện nay đã được nới lỏng hơn chưa, thưa ông?

Trong điều kiện hiện nay, Thống đốc Ngân hàng chưa nới lỏng về điều kiện vay vốn. Chúng tôi đã trao đổi với các tổ chức tín dụng, nếu chúng ta thấy doanh nghiệp, người dân khi khách hàng của mình vay vốn mà có những khó khăn về tài sản thuế chấp, đây là khó khăn rất lớn, thì ngân hàng sẽ tìm cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, thực hiện phương án sản xuất kinh doanh bằng cách cho thế chấp bằng các dòng tiền bán hàng của mình, cho ngân hàng quản lý từ các dòng thu, để từ đó làm cơ sở thu hồi nợ, tạo điều kiện để thẩm định và giải ngân vốn tín dụng cho các phương án sản xuất kinh doanh.

*VOH: Thưa ông, đối với đối tượng là công nhân, lao động nghèo, những người có thu nhập thấp… để tiếp cận nguồn vốn cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý thì sẽ làm thế nào?

Chúng tôi yêu cầu các tổ chức mà gọi là tín dụng mà phi ngân hàng, thí dụ như các công ty tài chính cho vay đối với những đối tượng là công nhân, lao động nghèo, những người có thu nhập thấp… để tiếp cận nguồn vốn cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Hiện nay, cho vay tiêu dùng ở mức 20 triệu, 50 triệu đồng cũng có khá nhiều người được vay nhưng lãi suất hiện nay chúng tôi đánh giá là còn khá cao. Chúng tôi tổ chức triển khai chương trình tài chính, coi như là hỗ trợ cho người dân, những người thu nhập thấp, không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng thì họ sẽ tiếp cận được nguồn vốn này xoay xở lúc khó khăn do dịch bệnh. Với 4 nhiệm vụ trọng tâm này, chúng tôi hy vọng và triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế của lãnh đạo Thành phố vừa ban hành.

*VOH: Cám ơn ông.