Tính đến hết tháng 11, giải ngân đầu tư công ước đạt 65,1% kế hoạch

VOH - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/12 cho biết mức độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 11 ước đạt trên 65% kế hoạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, tích cực.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, tăng 3,22% trong 11 tháng. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng ước xuất siêu 25,83 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ (10,3 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Tính đến hết tháng 11, giải ngân đầu tư công ước đạt 65,1% kế hoạch 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khách du lịch đến Việt Nam 11 tháng đạt 11,2 triệu lượt người, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau tốt hơn tháng trước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực. Trong 11 tháng có trên 201,5 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường...

Giải ngân đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% cùng kỳ, số tuyệt đối cao hơn gần 123 ngàn tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai quyết liệt. Tính đến hết tháng 11, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 thuộc Chương trình đạt khoảng 62.920 tỷ đồng.

Các vướng mắc về quy định liên quan đến các nhiệm vụ, dự án thuộc 3 chương trình 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được tháo gỡ. Phân bổ ngân sách đến hết tháng 11 đạt hơn 95% kế hoạch. Giải ngân 15,732 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023, đạt 65% kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định tình hình kinh tế nước ta sẽ tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng từ tình hình thế giới. Thời gian tới, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn, dài hạn.

Cần tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bình luận