Thời gian qua, cảng Cát Lái gặp một số khó khăn do lượng container tồn bãi tăng cao, tuy nhiên tình hình hiện đã ổn định trở lại. Hiện tỉ lệ tồn bãi của cảng Cát Lái là 85%, đây là tỉ lệ hoàn hảo cho sản xuất cảng trong điều kiện dịch bệnh.
Trước đó, để giải quyết lượng container ùn ứ tại đây, Cục Hải quan TPHCM đã thành lập Tổ Thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu. Theo đó, thành viên của tổ công tác gồm 1 đồng chí lãnh đạo Cục và thủ trưởng các đơn vị cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo, đề xuất cho lãnh đạo Cục các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ công tác này sẽ xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc phát sinh tại đơn vị, hạn chế tối đa ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu, nhất là trong thời điểm TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho hay: “Chúng tôi đã chủ động ban hành quyết định thành lập tổ 1081, Tổ này từ lãnh đạo Cục, Chi cục và lãnh đạo các phòng ban trực tiếp nắm bắt thông tin qua các cửa khẩu của mình, ví dụ khi thông quan hàng hóa còn vướng mắc những gì, về chính sách thuế, mặt hàng, rà soát kiểm soát tổng hợp lại, nếu nội dung nào thuộc thẩm quyền Cục Hải quan TPHCM thì chúng tôi sẽ trao đổi giải quyết ngay, nội dung nào thuộc về lãnh đạo cấp trên thì chúng tôi tổng hợp báo cáo để giúp doanh nghiệp thông quan một cách nhanh nhất”.
Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang phối hợp để hỗ trợ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thống kê, thực hiện vận chuyển container hàng tồn đọng trên 90 ngày ở cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Hiệp Phước, với số lượng khoảng trên 3.500 container.
Đồng thời, hội đồng xử lý hàng tồn đọng cảng Cát Lái sẽ đẩy nhanh tiến độ thanh lý, xử lý hàng tồn đọng, buộc tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Theo đại diện Tân Cảng Sài Gòn, biến động vừa qua là tất yếu do tác động dây chuyền từ các cảng ở nước ngoài. Hiện nay có 360 tàu đang trong tình trạng chờ cầu ở các cảng trên thế giới, và khoảng 110 cảng luôn cảnh báo sự cố tắc nghẽn.
Riêng ở các cảng của Tân Cảng Sài Gòn, từ ngày 15/7 đến 4/8, việc bỏ chuyến là khoảng 38 tàu, các tuyến dịch vụ tàu mẹ bị xáo trộn do việc kẹt cảng ở Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ đến các cảng ICD của Việt Nam.
Tuy vậy, lượng tồn bãi hàng nhập đang có mức giảm rõ rệt, duy trì ở mức 80 - 85% dung lượng bãi, bảo đảm công suất, sức chứa cho phép, việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu đang tiến triển tốt, không còn khả năng hàng hóa tồn bãi tăng cao, bớt gây áp lực cho sản xuất và không còn nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của cảng.
Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết thêm, hiện dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cũng chỉ còn khoảng tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng - Cát Lái.
Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở cảng Cát Lái cũng là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này, nên tập trung xử lý ở cảng sẽ giải quyết được bài toán cạnh tranh của cụm cảng phía Nam.
“Do các doanh nghiệp ngưng sản xuất nên hàng nhập về giảm, hiện nay ở mức khoảng 13.000-14.000 TEU/ngày. Như vậy, năng lực của cảng Cát Lái hoàn toàn dư năng lực để đáp ứng sản xuất.
Đặc biệt container hàng xuất khẩu, chúng tôi tạo thuận lợi một cách tối đa không bị ảnh hưởng. Các tàu ra vào cũng không phải chờ đợi và không có tình trạng là ùn ứ tàu, không có tình trạng là khách hàng đến cảng mà không lấy được container về” - Trung tá Nguyễn Phương Nam khẳng định.
Trung tá Nguyễn Phương Nam cho hay, Tân Cảng Sài Gòn sắp xếp, dồn dịch, quy hoạch các bãi hàng để làm sao tăng sức chứa lên. Tăng cường giảm tải dịch vụ phụ trợ cũng như các container rỗng đưa ra bên ngoài để nhường chỗ cho xe hàng.
Đặc biệt, Cảng làm việc với các hãng tàu để sắp xếp lại, giãn tiến độ hàng nhập về, có đề xuất cơ quan hải quan để triển khai cơ chế đặc biệt để giải tỏa hàng hóa về các ICD. Đây là giải pháp mà các cảng trên thế giới đã áp dụng trong đợt ùn tắc vừa rồi.
Thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho thấy, trong ngày hôm qua 10/8, đã có khoảng 72 container tồn đọng trên 90 ngày được di chuyển về cảng Hiệp Phước. Đây là biện pháp giãn hàng mà Tân Cảng Sài Gòn thực hiện bước đầu để duy trì hoạt động của cảng Cát Lái. Cùng với đó, Hải quan TPHCM đã phối hợp liên tỉnh để điều tiết lượng container về các địa phương để giảm tải áp lực cho cảng Cát Lái.
“Cục Hải quan TPHCM chủ trì phối hợp với Hải quan địa phương cho phép khi hàng hóa đến TPHCM thì có thể vận chuyển đến các cảng này của địa phương khi các doanh nghiệp có đăng ký vận chuyển về các tỉnh thành. Đặc biệt, hàng hóa tồn từ 60 ngày đến 90 ngày chúng tôi cũng đã cho chuyển về cảng Hiệp Phước. Đặc biệt, khi hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển qua cảng Cái Mép – Bà Rịa Vũng Tàu trong khi chờ cảng Cát Lái làm thủ tục thì chúng tôi cũng cho khách hàng xuống tại đó, làm sao để đảm bảo được hàng hóa thông quan nhanh nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” - ông Đinh Ngọc Thắng cho biết thêm.
Hiện lượng xe ra vào cảng Cát Lái bình quân gần 17.000 xe/ngày. Trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 đến nay, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã cấp giấy nhận diện phương tiện gọi tắt là mã QRcode cho gần 16.000 xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào cảng Cát Lái.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các phương tiện đã được cấp mã QR được lưu thông thuận lợi, thông suốt qua các chốt cửa ngõ thành phố vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến cảng Cát Lái. Trong 3 tuần gần đây, số lượng container hàng nhập khẩu khách hàng lấy khỏi cảng giảm trung bình gần 17%; số lượt xe ô tô vào nhận giao nhận container giảm gần 16%, số lượt khách hàng đến cảng làm thủ tục giao nhận hàng hóa giảm gần 39% so với thời điểm khi TPHCM chưa áp dụng Chỉ thị 16.