Tọa đàm trực tuyến: "Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài"

(VOH) - Cuộc tọa đàm nhằm triển khai quyết định 1797 của Thủ tướng về đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt".

Chiều 13/10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài".

Cuộc tọa đàm nhằm triển khai hiệu quả quyết định 1797 của Thủ tướng về đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024", đồng thời kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2021).

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú, trong những năm qua Bộ công thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả và tạo được những định hướng mang tính chất gợi mở, dẫn dắt cho các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đem lại tri thức, công nghệ, kinh nghiệm và vốn đầu tư tại VN: "Những kết quả đó thể hiện ở ba điểm nổi bật.

Thứ nhất, đội ngũ doanh nhân VN ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, không ngừng đóng góp nguồn vốn phát triển kinh tế cho VN, đặc biệt trong số này có không ít doanh nhân trẻ thuộc thế hệ Việt kiều thứ 2, thứ 3 hay du học sinh đã lập nghiệp và đóng góp tích cực trong kinh doanh phát triển công nghệ cao, công nghệ mới tại VN.

Kết quả thứ hai là thành lập mới được nhiều doanh nhân kiều bào ở địa bàn, củng cố tình đoàn kết và mối liên hệ giữa các hội, hiệp hội. Đến nay hầu hết địa bàn có đông người VN sinh sống đều đã thành lập Hội doanh nhân người Việt, góp phần quan trọng đưa hàng hoá xuất khẩu của VN xâm nhập thị trường sở tại thông qua mạng lưới phân phối của doanh nghiệp kiều bào. Như trong vụ nông sản vừa qua, hầu hết nông sản Việt Nam như nhãn, vải, xoài .. được phân phối ở Châu Âu hiệu quả là do doanh nhân Việt Kiều làm đầu mối.

Kết quả thứ ba là mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nhân kiều bào được củng cố chặt chẽ, mật thiết hơn bao giờ hết, cả trong hợp tác thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá VN ra nước ngoài cũng như thu hút đầu tư vào VN".

Tọa đàm trực tuyến: 
 

Tại toạ đàm, các đại biểu tập trung trao đổi về những giải pháp nhằm tăng cường, huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và trực tiếp hoặc gián tiếp phát triển các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam ở nước sở tại trong tình hình hiện nay như: “Mạng lưới các Trung tâm Thương mại của Doanh nhân người Việt tại Đông Âu”; “Kinh nghiệm tổ chức các Triển lãm hàng hóa Việt Nam ở các nước”; “Phát triển mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan”; “Kế hoạch thành lập Ngôi nhà Thương mại Việt Nam tại Bỉ trong năm 2021”.

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho biết: "Người Việt Nam tại châu Âu hiện sở hữu chuỗi cung ứng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm mạnh mẽ thông qua các trung tâm thương mại được xây dựng ở nhiều quốc gia Đông Âu. Điều đó minh chứng cho tầm nhìn, sự trưởng thành và khả năng hội nhập rất lớn của cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại.

Tuy nhiên, việc tận dụng các trung tâm thương mại của người Việt tại châu Âu để tiêu thụ và phân phối sản phẩm hàng hóa từ trong nước vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Chúng ta phải tìm mọi cách có thể linh hoạt hoá các hình thức hợp tác thì mới tận dụng các cơ sở vật chất rất quý đã có được. Chúng ta phải nhìn nhận thay đổi về cách tiếp cận thị trường. Tư duy kinh doanh xưa nay là xây dựng thương hiệu và chuỗi hoạt động kinh doanh, bắt buộc xây dựng chuỗi phân phối ở nước sở tại, chủ động nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm để đủ tiêu chuẩn đầu vào".

Đề cập đến giải pháp phát triển mạng lưới, tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Thủ Đô - Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam thông tin, sắp tới Hội sẽ thành lập 2 trung tâm để hỗ trợ việc đưa hàng hoá của các doanh nghiệp hội viên ra nước ngoài: "Đó là việc thành lập trung tâm về đối ngoại và hợp tác kinh tế kết nối thông doanh nghiệp trong nước và kiều bào VN ở nước ngoài. Chúng tôi sẽ là thành lập trung tâm tài chính doah nghiệp và đầu tư để xây dựng các dự án kết nối, kêu gọi vốn trong và ngoài nước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trung tâm còn có nhiệm vụ xây dựng các đề án chuyên môn, chuyên nghiệp hoá. Tôi rất mong muốn sau buổi toạ đàm này, các hiệp hội sẽ có đầu mối thông tin liên lạc nhanh hơn, nhiều hơn, phục vụ lợi ích cho các doanh nghiệp VN".

Cũng tại buổi toạ đàm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nhân tư nhân đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường giao lưu kết nối doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, tạo dựng hệ sinh thái để dễ dàng đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhiều nơi trên thế giới thì việc tổ chức các hoạt động ngoại giao kinh tế, trao đổi quảng bá sản phẩm VN ở nước ngoài bị hạn chế và trì hoãn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước gặp không ít khó khăn thậm chí phải chuyển đổi mô kinh doanh.

Thông qua buổi toạ đàm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, những khuyến nghị quý báu của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là cơ sở để các cơ quan chuyên môn tham khảo, nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách thời gian tới: "Với sự chỉ đạo sát sao và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nhân VN trong và ngoài nước, tôi tin tưởng rằng VN sẽ sớm vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra; Thực hiện sứ mệnh đưa ngày càng nhiều hàng hoá và dịch vụ chất lượng của VN vào thị trường quốc tế, vào chuỗi cung ứng quốc tế, biến hàng hoá VN thành sự lựa chọn tin cậy và được biết đến rộng rãi nhiều hơn.

Đặc biệt, chúng ta sẽ tận dụng những hệ thống về Hiệp định thương mại thế hệ mới mà VN tham gia ký kết. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng sau khi ký thoả thuận hợp tác hôm nay giữa Hội doanh nhân tư nhân VN và Uỷ Ban sẽ ngày càng chặt chẽ, thiết thực trong việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam và kiểu bào, phục vụ mục tiêu lớn nhất là thực hiện hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc".