Tại buổi làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong 8 tháng còn lại năm 2020 sáng nay 8/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, 20% tổng gói hỗ trợ Trung ương giao TPHCM trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế thành phố 4 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mắt đời sống kinh tế xã hội của thành phố. Tốc độ tăng trưởng của thành phố thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 đạt hơn 335.682 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng 6,42% so với cùng kỳ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị 20% tổng gói hỗ trợ Trung ương giao TPHCM để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm hơn 11%, cùng kỳ tăng 12,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,6%, cùng kỳ tăng 6,6%. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu giảm 0,7%, cùng kỳ tăng 6,8%... Hoạt động thu ngân sách gặp khó khăn, chỉ thu được 120.703 tỷ đồng, giảm gần 9,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố, mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM giảm, nhưng vẫn chiếm 25% trong tổng giá trị GDP của cả nước. Tổng thu ngân sách tuy giảm, nhưng vẫn chiếm 25% tổng thu ngân sách cả nước. Giải ngân vốn đầu tư đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ… qua đó cho thấy thành phố có những yếu tố tích cực, là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế thành phố 4 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM cũng đang kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến nay, TP.HCM đã thu hồi ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung của Công ty Đại Quang Minh.
Ngoài ra, TP.HCM đã giao các đơn vị liên quan xin ý kiến hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về việc tính lãi suất chậm nộp đối với khoản tiền nêu trên để thu hồi: "Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiếp tục triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự án đầu tư 4 tuyến đường, xây dựng phương án và triển khai đấu thầu, đấu giá các dự án, lô đất đã có đủ điều kiện, thực hiện chính sách bồi thường tái định cư, bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất diện tích 4,3 hecta phường Bình An, quận 2. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thành phố thực hiện tốt các nội dung khắc phục khó khăn xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng mục tiêu đề ra”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề khác như chỉ đạo Bộ Công thương giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp. TPHCM cũng kiến nghị cho phép xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận và phường; chuyển một số diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả thành đất công nghiệp, đô thị, có hướng dẫn phương án cổ phần hoá, điều chuyển công năng một số tài sản công.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kinh tế TP.HCM có giảm sút trong 4 tháng vừa qua. Song Bí thư Thành ủy khẳng định không phải sản xuất giảm mà do "cầu" giảm nên ảnh hưởng đến "cung". Đến nay, TPHCM có gần 7.800 doanh nghiệp phá sản hoặc đóng cửa, chiếm 3% trong tổng số doanh nghiệp. Nếu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi trả các khoản vay, khoản nợ, giữ chân người lao động thì từ tháng 5/2020, có thể tiếp tục sản xuất trở lại, tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý 2, quý 3 còn nhiều.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, Chính phủ và TPHCM đều có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi nhưng gói Trung ương rất quan trọng. Vì thế, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp các doanh nghiệp tại TPHCM phục hồi sản xuất.
Khẳng định Chính phủ sẽ làm mọi thủ tục hỗ trợ thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của TP.HCM trong nền kinh tế quốc gia rất lớn. TP.HCM là một trung tâm kinh tế thị trường tiềm năng, sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt và nghĩa tình. TPHCM đã đến lúc phải trở lại chính mình:
"TP.HCM phải là chữ V trong phát triển. Do đó là thế nào trong những quý còn lại của năm 2020, thành phố phải tăng trưởng và xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình. TP.HCM phải trở lại vị thế cực tăng trưởng đầu vào kinh tế của cả nước ta, không chỉ là lời cam kết với đất nước mà còn là trách nhiệm với đất nước, TP.HCM không chỉ thành công trong chống dịch COVID-19 mà còn thành công trong phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Đảng và Chính phủ tin tưởng như thế”.
Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố cần rà soát lại các nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội phấn đấu hoàn thành năm 2020. Các dự án dở dang cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ. Cùng với đó, phát triển không gian đô thị phải đi trước một bước, phát triển các khu đô thị vệ tinh, trở thành trung tâm tài chính trong khu vực. Cải cách hành chính cấp độ 3,4, ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục, hồ sơ pháp lý, gỡ vướng cho doanh nghiệp…
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, công tác phòng dịch tại TP.HCM là tốt nhất cả nước, thành phố đã phát huy thành phố nghĩa tình - truyền thống quý báu của thành phố trong thời gian qua. TP.HCM đã triển khai sớm các gói an sinh xã hội, hỗ trợ cho người bán vé số, người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.
Theo Thủ tướng, TP.HCM suy giảm sâu về kinh tế thì cả nước sẽ suy giảm theo. Kinh tế quý 1, TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,42% so với cùng kỳ năm trước. TP.HCM có vị trí lớn và quan trọng đối với cả nước nên giải pháp trong thời gian tới cần bàn kỹ để sớm khôi phục kinh tế. Trong đó, Trung ương cần tạo điều kiện như thế nào để thành phố sớm vượt qua khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu, cần đặt ra biện pháp quyết sách để tạo điều kiện quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM chứ không nói chung chung, TP.HCM hướng tới đô thị hiện đại, trước hết thành phố đóng góp cho cả nước. Về đề án thí điểm TP.HCM không có Hội đồng nhân dân cấp quận, phường để tinh giản bộ máy nhà nước và tiết kiệm ngân sách nhà nước, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là vấn đề khoa học trong quản lý nhưng rất cần sự đồng thuận của Bộ Chính trị.
Tiềm năng điện gió của Việt Nam lên đến 10.000 trụ gió: Ngày 8/5, buổi ký kết trực tuyến về mua sắm thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ các dự án năng lượng tái tạo giữa Tập đoàn Trung Nam và Tập đoàn Sany (Trung Quốc) đã diễn ra.