Sáng 21/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp gỡ 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM với chủ đề: “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững”.
Tại buổi gặp gỡ, đa số các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư tại TP.HCM. Bên cạnh nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp này cũng đề xuất với lãnh đạo thành phố về những vấn đề cần đổi mới, cải thiện.
Tại buổi gặp gỡ 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM với chủ đề: “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững”.
Theo đại diện Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc, hiện nước này đầu tư hơn 6.600 dự án với hơn 58 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam, trong đó, TP.HCM thu hút gần 5 tỷ đô la Mỹ. Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với 1.200 công ty tại TP, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sử dụng hơn 1 triệu công nhân tại VN. Đại diện doanh nghiệp này đánh giá, VN là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
TP cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ VN hiện đang duy trì lạm phát 4%, vì vậy, mức tăng lương duy trì bền vững. “Việt Nam thực thi tốt hơn bảo hiểm xã hội đối với lao động nước ngoài; đổi mới logictics, thuế hải quan nên được số hóa để có thể tiết kiệm chi phí và nhân lực cho cả hai quốc gia. Hiện có 60 ngàn người Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và 130 ngàn người Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc”, đại diện Hiệp hội thương mại và công nghiệp Hàn Quốc, đề xuất.
Đại diện doanh nghiệp Thái Lan cũng cho rằng, TP.HCM có môi trường chính trị kinh tế ổn định, nhân sự có tay nghề cao. VN là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp Thái Lan. Hiện đất nước này có gần 460 dự án đầu tư vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư thứ 10 tại đây, tạo ra nhiều công ăn việc làm và phát triển TP.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng lo lắng khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam tăng từ 10-14%, lao động VN không còn là lao động giá rẻ. Trong khi đó, năng suất lao động VN khá thấp so với các quốc gia xung quanh. Theo khảo sát đánh giá, cứ 1 người Singapore năng suất lao động gấp 20 lần người Việt Nam, 1 người Thái Lan năng suất làm việc gấp 3 lần người Việt Nam. Từ đó, đại diện doanh nghiệp này cho rằng TP cần có các chương trình đào tạo khuyến khích, phát triển tốt hơn, kể cả cấp độ quản lý. Thành phố thông minh không chỉ là vấn đề công nghệ mà chính là con người.
Trước các vấn đề doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, năm 2018 và những năm tiếp theo, TP sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về thuế, phấn đấu tỷ lệ kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 90%. Giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và thời gian tiếp nhận kiểm tra hàng hóa thực tế. Rút ngắn 57 ngày xuống còn 14 ngày giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Có tổ công tác liên ngành do Chủ tịch làm tổ trưởng, đây là tổ công tác đầu tiên trong cả nước và chưa có tiền lệ từ trước tới nay để hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định”, ông Nguyễn Thành Phong thông tin.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế thành phố vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng, trong đó, có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Hiện có 96 quốc gia đầu tư tại TPHCM với hơn 44 tỷ đô la Mỹ.
Số vốn đầu tư nước ngoài vào TP trong năm 2017 đạt 6,6 tỷ đô la Mỹ tăng đến 90% so năm 2016. Từ đầu năm đến hết tháng 3 năm nay, thành phố đã thu hút được gần 1,4 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi cả nước đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ. Hiện TP còn gặp nhiều thách thức: giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường nên cần sự cảm thông và của các nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi năm TP tăng thêm 1 triệu người. Hiện TP đang nghĩ cách quy hoạch lại cho phù hợp với tỉ lệ dân số ngày càng đông.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Nghị quyết 54 cho TP thẩm quyền lớn hơn, cùng với đó là trách nhiệm cao hơn đối với nhân dân và Quốc hội. Năm 2018, triển khai đề án xây dựng TP thông minh, TP mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu…hỗ trợ TP về giải pháp, ý tưởng, công nghệ, con người. Thành phố sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; Xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin”.