TPHCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù hơn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(VOH) - TP.HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn thành phố cần có cơ chế, chính sách thông thoáng và đặc thù hơn.

Điều này giúp cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận được các chính sách ưu đãi, bởi đây là đối tượng doanh nghiệp dễ chịu tác động của các yếu tố bất định bên ngoài, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

TPHCM hiện có số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trong tổng số hơn 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành và 3 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.

Tính đến cuối tháng 10, cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 4,5%/năm. Mức lãi suất này đã tương ứng, ngang bằng với một số nước trong khu vực, đặc biệt cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngành ngân hàng cũng đang thực hiện thông tư 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, bất lợi từ dịch Covid-19. Ảnh minh họa: PN.

Ngành ngân hàng cũng đang tổ chức nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện thông tư 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, bất lợi từ dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, đây là điểm rất sáng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Có 3 điểm chính của thông tư này là cơ cấu lại nợ của các khách hàng vay vốn trong đó có doanh nghiệp của các khách hàng cá nhân được cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm nợ. Thứ hai, tiến hành miễn giảm lãi tiền vay cho các khách hàng vay vốn gặp khó khăn. Thứ ba là chủ động cho vay mới đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 10 năm nay, việc triển khai thực hiện thông tư 01 trên địa bàn TPHCM đã có hơn 248.000 khách hàng vay vốn được hưởng lợi từ cơ chế này, với tổng số vốn đã hỗ trợ cho các thành phần kinh tế là trên 727.000 tỷ đồng. Đây là kết quả rất quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM cho biết: “Tại TPHCM, ngành ngân hàng còn tham gia các chương trình kinh tế trọng điểm của thành phố như chương trình kích cầu, bình ổn thị trường, nông nghiệp sạch, kết nối doanh nghiệp ngân hàng. Đáng chú ý, chương trình kết nối doanh nghiệp ngân hàng đã thực hiện đến năm thứ 8. Riêng năm 2020 này, tính đến cuối tháng 10, đã có 405 ngàn tỷ đồng hỗ trợ hơn 28.000 lượt khách hàng đặc biệt là khách hàng nhỏ và vừa vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh".

Từ năm 2015 đến nay, TPHCM đã ban hành 20 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực trong đó nổi bật là các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ mặt bằng sản xuất và hỗ trợ kích cầu tạo đầu ra. Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM , từ đầu năm đến nay, Sở Công thương thống kê có 700 trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đã chuyển danh sách cho Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ theo thông tư 01. Ngoài ra, trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ, từ 2015 đến nay, Sở phối hợp cùng các sở ngành giải quyết cho 28 dự án của doanh nghiệp trong lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là chính sách rất hiệu quả đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bình quân cứ 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra để hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp thì thu hút được 5,1 đồng vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Riêng nghị quyết 16, Thành phố đã hỗ trợ cho 11 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Từ đó, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có điều kiện để đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương nêu rõ: “Hai năm qua, chúng tôi đã thu hút 40 doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố để gặp gỡ 160 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố, qua đó các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội để tiến tới ký kết tạo điều kiện mở rộng sản xuất, tiến dần đến xu hướng cung ứng sản phẩm linh kiện điện tử cho những tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và thành phố. Ngoài ra, trong thương mại kinh doanh, Sở Công thương thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường của thành phố cũng như chương trình kết nối cung cầu của thành phố với các tỉnh thành Đông Tây Nam bộ, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có kênh tiêu thụ hàng hóa”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố nhìn nhận, TPHCM những năm qua có chính sách riêng, đột phá, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, lợi thế cho doanh nghiệp ở TP. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông đề nghị thành phố cần tiếp tục có những cải thiện về chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng thụ và tiếp cận được nhiều hơn các chính sách hỗ trợ: “Doanh nghiệp mong muốn chúng ta xem xét lại cách thức quản lý và tiếp cận, thẩm định, phê duyệt để làm sao các chính sách thực sự tiếp sức được cho doanh nghiệp, làm sao những dự án này khi đăng ký trong chương trình thực sự là lợi thế riêng cho doanh nghiệp, làm sao đó đảm bảo tiến độ, linh hoạt, hiệu quả cao nhất. Sau khi thẩm định xong, thì nên quản lý giám sát theo mục tiêu theo kết quả đầu cuối, điều này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”.

Bình luận