Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch TPHCM đã có sự tăng tốc rất mạnh mẻ. Tuy nhiên, tình trạng chung của ngành du lịch nước nhà, là khách quốc tế khi đến du lịch tại Việt Nam ít “chịu chi”, điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ngành du lịch.
Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” diễn ra gần đây, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch Hoàng Nhân Chính cho biết, năm 2019, chi tiêu trung bình khách du lịch quốc tế ở Việt Nam là 1.200 USD/người, thời gian ở lại 9,1 - 9,2 ngày. Cùng năm đó, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế có mức chi xài 2.400 - 2.500 USD/người và tỷ lệ quay trở lại lên đến 70%.
Với TPHCM, nơi được xem là thiên đường mua sắm của Việt Nam thì sức hút mua sắm cũng chưa bằng các thành phố trong khu vực. Khách du lịch đến thành phố, chỉ dành 17% tổng chi tiêu cho mua sắm. Ở Bangkok (Thái Lan), chỉ số này là 23%, Kuala Lumpur (Malaysia) 32%, Singapore 28%.
Tính tổng thể, 6 tháng đầu năm thành phố đón 1,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt hơn 80.800 tỷ đồng, trong đó hoạt động mua sắm của khách quốc tế đóng góp 9%, khách nội địa 2%.
Đây không phải là vấn đề mới mà thực tế đã tồn tại từ lâu. Nhìn lại 10 năm qua, tổng chi tiêu trung bình cho một chuyến đi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và hầu như chưa có chuyển biến đáng kể.
Trong một lần dự hội thảo gầy đây tại TPHCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương - nói: "Du lịch mua sắm, giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy tiềm năng hai loại hình du lịch này là rất lớn. Trên thực tế khi du khách quốc tế tới Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến về việc thiếu và không có những sản phẩm giá trị và đa dạng, không có địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.
Singapore có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam. Với hạn chế về thiên nhiên, họ đã lựa chọn bốn loại hình du lịch để phát triển đó là du lịch mua sắm, du lịch vui chơi giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm. Đảo quốc này là một thiên đường mua sắm nhờ chính sách miễn thuế, họ xây dựng các trung tâm mua sắm lớn, phong phú về mặt hàng và tạo thuận lợi trong việc hoàn thế VAT cho du khách quốc tế."
Theo ghi nhận của Sở Du lịch TPHCM, khách quốc tế đến thành phố thường mua sắm tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, nhưng sức mua thấp. Tình trạng hét giá của một số tiểu thương chợ truyền thống được lan truyền trên các trang mạng xã hội gần đây ngoài gây thiệt hại trực tiếp đối với chính họ, còn "ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh du lịch thành phố",
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel, "chặt chém" có thể ảnh hưởng đến sức chi của du khách khi đến Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề đang được ngành du lịch quan tâm. Để cải thiện tình trạng này, bà Hoàng đề xuất TPHCM xây dựng một "hành lang giá" thống nhất, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu phố mua sắm.
Việc đưa các gian hàng về một khu vực không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm mà còn giúp quản lý dễ dàng hơn. Các mặt hàng bày bán tại đây phải được niêm yết giá rõ ràng và có kế hoạch quảng bá, phát triển cụ thể.
Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, du lịch Việt Nam đã phát triển về lượng nhưng về chất lượng và dịch vụ cần xem xét một cách nghiêm túc. Nếu chúng ta có đầy đủ các loại hình du lịch mua sắm chất lượng, chúng ta sẽ giữ được ngoại tệ trong nước. Du khách quốc tế đem tiền vào sẽ có nhiều thứ để tiêu xài thoải mái, không như hiện nay họ đang "đem tiền đến rồi lại mang về".