TPHCM đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua hình thức hợp tác công tư (PPP)

(VOH) - Sáng 27/3, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) trong một số lĩnh vực ở thành phố. Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Hội thảo nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thu hút thêm nhà đầu tư mới, hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu, quảng bá hình ảnh thành phố; giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư của thành phố.

Những năm gần đây, dự án PPP được kỳ vọng là giải pháp thức đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công với sự tham gia của khu vực tư nhân, mang lại các lợi ích cho người dân và thành phố. Những lợi ích có thể kể đến như: sớm cung cấp các dịch vụ công mới, nâng cấp các dịch vụ công hiện có, tăng hiệu quả chi tiêu của Chính phủ, giảm gánh nặng ngân sách chi tiêu của Chính phủ qua thu hút vốn tư nhân thực hiện các dự án công ích,…

Chính vì thế, sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là về tài chính bằng các hình thức như PDF, VGF/Trợ cấp, Bảo lãnh,… là vô cùng cần thiết nhằm tăng tính hấp dẫn cho các dự án PPP đối với nhà đầu tư tư nhân. Trong đó, VGF là hỗ trợ vốn trực tiếp của Nhà nước cho nhà đầu tư tư nhân, tạo động lực cho các nhà đầu tư tư nhân chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cung cấp VGF một cách hợp lý sẽ góp phần tăng tính khả thi của dự án, nhất là các dự án cở sở hạ tầng mà nguồn thu từ người sử dụng không đủ bù đắp phí đầu tư dự án.

Tại hội thảo, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng để mô hình đối tác công tư (PPP) thành công, cần phải công nhận đây là mô hình hợp tác lâu dài, trong đó cả khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn có cả rủi ro. PPP phải là mô hình hợp tác toàn diện để các bên liên quan đều có lợi.

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, thời gian qua, số lượng dự án Hợp tác công tư chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng 1 dự án PPP có thể giúp thành phố huy động khoảng 3 ngàn tỷ đồng từ xã hội hóa. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi bình quân mỗi năm ngân sách thành phố chỉ có thể cân đối 30.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công trên địa bàn.

TPHCM đang xúc tiến thu hút đầu tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, xử lý rác, xử lý nước thải và chống ngập.

Được biết trong năm 2019, TPHCM được Trung ương giao dự toán thu ngân sách 399.125 tỷ đồng, tăng 5,93% so với dự toán năm 2018. Trong đó, chỉ tiêu giao thu nội địa là 272.325 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 108.800 tỷ đồng.

Bình luận