Ngày 27/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố phối hợp Cục Hải quan Thành phố tổ chức Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố lần thứ 254, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Có hơn 200 doanh nghiệp tham gia đối thoại, nêu những vướng mắc liên quan đến: thực thi các chính sách thuế và chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thời gian thông quan còn dài; cách hiểu loại hình sản phẩm khác nhau dẫn đến việc áp dụng thủ tục kiểm tra, quản lý khác nhau giữa các ngành cũng gây khó cho doanh nghiệp; tình trạng quá tải tại cảng Cát Lái cũng ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa… Xuất nhập khẩu là hoạt động quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo an ninh kinh tế và góp phần phát triển đất nước. Do vậy, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian thông quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Ngô Ngọc Khánh, Hiệp hội Logistics Việt Nam bày tỏ: Hiện nay, chỗ kiểm hóa ở Tân Cảng rất chật, chỉ kiểm khoảng 25 công/ngày, nhưng hàng hóa thông quan qua Cảng Cát Lái là không dưới 10.000 công, do đó, việc thông quan chiếm rất nhiều thời gian, thậm chí làm ách tắt rất nhiều trong quá trình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Thứ hai nữa là, liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ví dụ như phân bón, chỉ quá cảnh ở Việt Nam nhưng lại bắt buộc xin giấy phép, điều này bất cập và gây tốn kém và mất thời gian cho doanh nghiệp.
Đại diện Cục Hải quan TPHCMđã trả lời và trực tiếp giải quyết những khó khăn và vướng mắc cũng như phổ biến những quy định, lưu ý của Cục Hải quan Thành phố đến với cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi các chính sách, thủ tục hành chính về lĩnh vực hải quan. Thông tin về việc xác định đối tượng kiểm tra cũng như quy định trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu, bà Bà Lê Thị Thuỳ Dung, Phó Trưởng phòng, Phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Thành phố cho biết: Do việc xác định đối tượng kiểm tra của các mặt hàng thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ có khó khăn, nên Bộ có văn bản trao đổi với Tổng Cục Hải quan về việc, trong quá trình triển khai, nếu việc xác định mặt hàng có vấn đề phức tạp thì cơ quan hải quan trao đổi trực tiếp với cơ quan đại diện của Bộ để xác định đối tượng quản lý. Và tại điều 47, Nghị định 08, quy định các trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu, bao gồm các loại hình như là: tạm nhập để sửa chữa, tái chế; Tái nhập về Việt Nam để tiêu hủy…thì căn cứ vào thỏa thuận và thực tế giao dịch giữa đôi bên để lựa chọn loại hình phù hợp.
Cục Hải quan Thành phố là thành viên Hệ thống đối thoại đã gắn bó với hoạt động của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố kể từ khi Hệ thống được thành lập đến nay. Đối với doanh nghiệp, hải quan hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian thông quan, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực logistics và thương mại, hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy hàng hóa, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập. Trên phạm vi xã hội, hoạt động hải quan góp phần ổn định nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Thành phố cho biết, “Trong thời gian qua, có nhiều vấn đề phát sinh từ doanh nghiệp về phía Cục Hải quan đã hết sức tích cực giải đáp và xử lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về mặt công việc cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Và rất nhiều những nội dung chúng tôi từng giải đáp cũng như những vướng mắc chúng ta đã kiến nghị lên Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính đã được Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định 08, sửa đổi Thông tư 38, 39 đưa vào trong lần lấy ý kiến gần đây nhất. Chúng ta hy vọng, trong thời gian tới, nhiều nội dung sẽ được điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố hy vọng, việc phối hợp với Cục Hải quan Thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại sẽ tiếp tục giải quyết phần nào thỏa đáng và kịp thời những khó khăn và vướng mắc cũng như cập nhật những quy định, đến với cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực thi chính sách, thủ tục hành chính về lĩnh vực hải quan tốt nhất. Với các câu hỏi vượt quá thẩm quyền, đơn vị sẽ tập hợp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để trả lời, sau đó sẽ phản hồi về cho doanh nghiệp bằng văn bản hoặc thư điện tử.
Ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh “lĩnh vực hải quan luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, đảm bảo an ninh kinh tế và góp phần phát triển đất nước. Với vai trò là Trưởng ban Điều hành Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố cùng các Sở, ban, ngành là thành viên của Ban Điều hành Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố không ngừng nỗ lực để cải tiến và đổi mới hoạt động của Hệ thống trong giai đoạn sắp tới nhằm phục vụ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”.