Chờ...

Trong 5 ngày làm việc – Doanh nghiệp sẽ được phản hồi các thắc mắc

VOH - Doanh nghiệp là thành viên của hệ thống Đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố nếu đặt câu hỏi trên website của hệ thống, sẽ được phản hồi trong vòng 5 ngày làm việc

Đây là thông tin được ông Trần Phú Lữ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) khẳng định tại Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 250 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố.

tran phu lu_voh
Ông Trần Phú Lữ, giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC)

Hội nghị thu hút hơn 300 đại diện của các doanh nghiệp tham dự, trao đổi và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về hợp đồng lao động điện tử, các thủ tục về lao động khi chấm dứt dự án đầu tư, quyền lợi của thực tập sinh, hợp đồng lao động với người lao động đặc biệt, an toàn, vệ sinh viên, số giờ làm thêm và chế độ làm thêm, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài,…

thuong binh_voh_1
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tiếp nhận thực tập sinh tại doanh nghiệp như thế nào để đúng với quy định hợp đồng lao động của Bộ luật Lao động, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tại Điều 3 Bộ luật Lao động có nêu khái niệm người lao động, người sử dụng lao động là như thế nào. Trên cơ sở, doanh nghiệp có thể xác định mức độ cần thiết của việc nên lập mối quan hệ lao động hay không. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đánh giá sự cần thiết đó trên cơ sở các tiêu chí như: việc làm có trả công, trả tiền lương hay không; có sự giám sát, điều hành của một bên đối với bên còn lại bằng cách quy định quyền và nghĩa vụ của các bên hay không… Nếu có, thì được xem là quan hệ lao động và bắt buộc phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động.

Chia sẻ về nội dung: thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm (theo mẫu số 02/PLIV) nộp tại đâu? Làm thông báo một lần cho hàng năm hay mỗi năm phải thông báo? Ngoài mẫu số 02/PLIV thì có cần thêm mẫu nào nữa không? ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm và được ký thành văn bản riêng (tham khảo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020).

Theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020, khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:
- Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;

- Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Văn bản thông báo theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.

Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả. Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối để đưa pháp luật của Nhà nước đến với mọi người, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật lao động, đặc biệt đối với người sử dụng lao động và người lao động. Điều này đã giúp giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây. Sở Lao động Thương binh và Xã hội mong muốn trao đổi, lắng nghe và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, hướng dẫn thực hiện chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc thực thi các quy định của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Thông tin thêm những kênh tiếp nhận phản ánh và trả lời những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật vào cuộc sống, sản xuất, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) cho biết, hệ thống đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố, ngoài việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật có liên quan, ITPC cũng mong muốn lắng nghe các hiến kế, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách, để các sở, ngành có liên quan ghi nhận và trong quá trình tham gia góp ý với các Bộ Ngành sẽ có ý kiến đóng góp thêm. Nội dung này trên trang hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố, được xây dựng thành mục riêng là đề xuất, hiến kế, các doanh nghiệp có thể  sử dụng cổng thông tin này để góp ý thêm cho các sở, ngành tiếp thu. Các câu hỏi của doanh nghiệp là thành viên Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố sẽ được phản hồi trong vòng 5 ngày làm việc.   

Tính từ năm 2002 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố đã tiếp nhận và trả lời hơn 4.000 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua website Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố và phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố tổ chức 36 Hội nghị đối thoại trực tiếp, thu hút hơn 7.000 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 3.000 câu hỏi của doanh nghiệp tại Hội nghị. Riêng trong năm 2024, thì đây là Hội nghị Đối thoại lần thứ 02 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về pháp luật lao động. Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2024 của Thành phố: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.