TPHCM: Nguồn cung nhà ở sụt giảm "thê thảm" nhưng giá bán vẫn tăng mạnh 2-3 lần

(VOH) - Theo CBRE Việt Nam, tại TPHCM, mặc dù nguồn cung nhà ở (gồm cả chung cư, nhà phố, biệt thự) sụt giảm nhưng giá bán ra vẫn tăng mạnh 2-3 lần so năm 2021.

Theo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản tại TPHCM của CBRE, trong quý III vừa qua, mặc dù thị trường nhà ở (gồm cả chung cư, nhà phố, biệt thự), nguồn cung sụt giảm thê thảm, chỉ vài trăm căn được tung ra, nhưng giá bán ra vẫn tăng mạnh 2-3 lần so năm 2021 với giá bán vài chục tỉ đồng/căn.

Cụ thể, nguồn cung căn hộ mới chỉ có 2.851 căn, giảm 80% so quý II nhưng cao hơn 49% so cùng kỳ năm 2021.

Phân khúc cao cấp dẫn đầu thị trường, chiếm 76% trong tổng nguồn cung mới. Phân khúc hạng sang chiếm 13%. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận đợt mở bán dự án tại quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức), còn lại phân khúc bình dân tiếp tục biến mất khỏi thị trường.

Mặc dù nguồn cung mới giảm nhưng tổng số căn hộ bán được trong 9 tháng đầu năm 2022 là 18.520 căn, tăng gần gấp đôi so với số chào bán thành công của 9 tháng đầu năm 2021.

Theo CBRE, giá sơ cấp trung bình trên toàn thị trường đạt mức 2.545 USD/m2, tăng 3,4% so quý trước và tăng 12% so cùng kỳ năm ngoái.

CBRE dự báo, quý IV/2022, TPHCM sẽ chào đón 1.822 căn hộ mới từ 11 dự án.

thị trường bất động sản
Nguồn cung nhà ở tại TPHCM đang sụt giảm nhưng giá lại tăng mạnh (Ảnh: HL)

Theo nhận định của bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Định giá - Nguyên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE, thị trường bất động sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục không có nhiều lựa chọn với hầu hết nguồn cung mới tập trung ở phân khúc cấp cao. Mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang rất khó khăn.

Chia sẻ tại một Talk show mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cũng cho hay, cuối năm, 80% nguồn cung bất động sản tại TPHCM sẽ tập trung tại khu vực phía Đông. Trong đó, sản phẩm giá tầm trung ngày càng ít đi còn phân khúc cao cấp, hạng sang lại tăng cao. Có những dự án trước đây thuộc phân trung cấp đã dịch chuyển về vùng giá cao cấp; sự tăng giá nhanh đã khiến căn hộ, nhà phố, biệt thự thiết lập mặt bằng giá mới những năm qua.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

HoREA cho biết, hiện nay các nhà đầu tư bất động sản nếu được vay thì phải chịu lãi suất cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng ngày càng khó tiếp cận được thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp và khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do giao dịch sụt giảm dẫn đến “rủi ro” bị mất thanh khoản.

Để giải “cơn khát” thiếu vốn, HoREA mong rằng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 – 200.000 tỷ đồng mới vực dậy thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm.