TPHCM nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông và cung ứng hàng hóa

(VOH) - TPHCM là nơi tiêu thụ và tiêu dùng lượng lương thực thực phẩm nhiều nhất cả nước.

Thế nhưng, hiện đã có trên 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Trong nỗ lực của mình, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo kịp thời kết nối với các tỉnh thành, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Đến thời điểm này, nguồn hàng tại TPHCM vẫn cung ứng đủ cho toàn bộ người dân.

tphcm-no-luc-ho-tro-doanh-nghiep-trong-luu-thong-va-cung-ung-hang-hoa-voh.com.vn-anh1
Nhân viên Saigon Co.op chọn thực phẩm cho khách hàng. (Ảnh: SGGP)

Hiện nay, nhiều nhà máy, công xưởng, xí nghiệp và cơ sở sản xuất đã xảy ra tình trạng gián đoạn hoặc ngừng hoạt động bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, không chỉ do thiếu hụt nhân công lao động, mà còn vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất và đứt gãy kênh phân phối, tiêu thụ dẫn tới tồn kho, ứ đọng hàng hóa sản phẩm.

Tại TPHCM, hàng loạt các chợ đều đóng cửa, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc khâu lưu thông hàng hóa trong mấy ngày vừa qua. Mặc dù UBND Thành phố yêu cầu khôi phục lại các chợ truyền thống, song đến nay số chợ vẫn chưa được mở lại nhiều do xuất hiện các ca nhiễm tại đây.

Vấn đề quan trọng nữa dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là các thương lái ở các tỉnh hiện nay đã không còn hoạt động do lo ngại dịch bệnh. Trong khi đó, đội ngũ này là người trực tiếp lấy hàng từ trang trại, phân phối đến công ty, xí nghiệp, chợ. Thực tế nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm TPHCM đều đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Chỉ riêng tại Cần Thơ đã có 98% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19, như vậy, những doanh nghiệp ở TPHCM đang có đối tác tại Cần Thơ cũng sẽ đối diện nguy cơ phải dừng hoạt động nếu hết nguyên vật liệu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm khẳng định, đây là lý do mà đến giờ này, thành phố đang thiếu nguồn nguyên vật liệu và một số mặt hàng lương thực thực phẩm do một số nơi chưa được phân phối tốt. Bà Chi cho rằng, vấn đề này một mình TPHCM không thể xử lý được bởi còn liên quan đến các tỉnh thành khác.

Bà Lý Kim Chi kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng thành lập tổ công tác đặc biệt, lắng nghe và xử lý được ngay những vấn đề phát sinh: “Thương lái bây giờ không hoạt động thì đầu vào của hệ thống nguyên vật liệu gần như tê cứng. Bởi vì xưa nay các doanh nghiệp đều thông qua hệ thống thương lái hết. Nguyên một đầm ao cá, các thương lái xuống mua, xong phân loại, loại nào loại A đem về xí nghiệp, loại nào loại B đưa xuống chợ sang trọng thì bây giờ hệ thống đó không hoạt động.

Điển hình nhất, mấy hôm nay, nông dân thu hoạch lúa, lúa đang đầy đồng, nhưng lực lượng thu mua không có, giá rớt thê thảm luôn. Những địa phương lại tiếp tục chỉ thị 16 nữa, có những địa phương người dân cũng không ra đồng được thì lấy gì mà thu hoạch”.

Một vấn đề khác nữa cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng là hiện nay, số tài xế đường dài vận chuyển hàng hóa có tiếp xúc nhiều nên khả năng lây nhiễm khá cao. Ông Nguyễn Đạt, Giám đốc Kinh doanh công ty cổ phần giấy Khải Hoàn cho rằng: “Bắt buộc tiêm vắc xin cho tài xế 100%. Bây giờ kể cả doanh nghiệp 3 tại chỗ, tài xế qua trạm kiểm dịch, tới các đơn vị khác, gặp thủ kho ký giấy tờ thì rất dễ lây lan.

Theo Bí thư An Giang, tài xế test ngẫu nhiên thôi mà có đến 85% tài xế là dương tính thì quá cao, do đó, một chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đang ổn định, nhưng có thể một tài xế doanh nghiệp đó bị nhiễm thì làm doanh nghiệp đó vài ngàn công nhân vỡ trận luôn.

Thứ hai, ở các chốt, khi tiêm vắc xin cho tài xế được rồi thì các chốt vẫn phải test nhanh cho tài xế ngẫu nhiên, không cần 100% và cấp giấy luôn. Ví dụ, đi từ đây xuống Cần Thơ chẳng hạn, qua tới Long An thì test nhanh, rồi cấp giấy cho tài xế, tài xế ấy cầm giấy xét nghiệm qua Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, khi đi qua, các trạm đầu tiên đã test rồi thì không cần test nữa. Nhưng phải có test để đảm bảo rằng kiểm soát được tuyến đầu của doanh nghiệp".

Là đơn vị bán lẻ, cung ứng hàng hóa, ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua Aeon Việt Nam cho biết, hiện tại Aeon Việt Nam đang sử dụng nguồn nhân lực giao nhận chính thông qua công ty vận tải, vận chuyển. Thế nhưng do có những tài xế bị F0 nên doanh nghiệp thiếu đội ngũ lái xe. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sử dụng thêm shipper của Grab, Be để hỗ trợ những đơn hàng online, thế nhưng vẫn bị chậm từ 2-3 ngày mới giao được cho khách hàng. Do đó vấn đề logisitic cũng đang là vấn đề lớn: “Nguồn hàng không khan hiếm nhưng do chỉ thị ra, nhà cung cấp hoàn toàn bị động, không biết xoay xở như thế nào. Đối với doanh nghiệp bán lẻ thì phải có hàng, phải tìm mọi cách bởi khách hàng phản ánh nhà nước nói có nhiều tấn hàng dự trữ mà sao vô siêu thị không có. Hiện tại Aeon rất khó khăn về mảng logistics”.

Để giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, cung ứng cho TPHCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết, Sở Giao thông Vận tải nắm bắt vấn đề này và đã làm việc ngay với các tỉnh thành xung quanh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ để tháo gỡ. Thực tế, Sở đã cấp khoảng 60.000 giấy nhận diện - có mã QR Code.

“Sở cùng với Hiệp hội Vận tải hàng hóa đã lên danh sách 14.000 tài xế để tiêm vaccine nhưng rất tiếc là các anh chị ở các Hiệp hội, các tài xế lúc đó đang trên đường, có anh chị đang ở tỉnh, do đó những ngày lên danh sách tiêm, có ngày 4.000 người nhưng chỉ có 300-400 anh chị tới chích thôi. Vaccine có thời hạn, cũng không thể chờ được, trong khi nhu cầu rất lớn. Tổng cộng đợt 1 chúng ta chỉ chích khoảng 8.000/14.000 tài xế, đến bây giờ, toàn ngành giao thông vận tải đang lên danh sách, đề nghị với Bộ Y tế là 67.000 tài xế của toàn TPHCM tính luôn mũi 2”, ông Hòa An cho biết thêm.

UBND TPHCM cũng đã nhanh chóng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường để hàng hóa lưu thông kịp thời.

Đến nay, tình hình lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh đã thông suốt.

Bên cạnh đó, trước đề xuất của các doanh nghiệp, UBND Thành phố cũng đã kiến nghị Chính phủ thay đổi một số chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng như: kéo dài thời hạn hỗ trợ ít nhất đến hết quý 1/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022 thay vì hết tháng 12/2021 như dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Với doanh nghiệp, dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm thuế giá trị gia tăng lên 50%, thay vì 30% như dự thảo; giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho người thuê đất gặp khó khăn…