TPHCM: Phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP

(VOH) - Chương trình OCOP của Thành phố phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh cùng 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống.

Trên cơ sở Quyết định số 490 ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2020, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 385 ngày 28/01/2019 phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn nông thôn Thành phố đến năm 2020. Chương trình OCOP của Thành phố sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được xác định bao gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh cùng 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống.

VOH thực hiện tọa đàm với sự tham gia của các vị khách mời: ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TPHCM (Chương trình XDNTM TP); Bà Hoàng Thị Mai – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Thành phố và ông Hồ Ngọc Thiện – Trưởng phòng Kinh tế - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới huyện Cần Giờ. 

*VOH: Trước hết, mời ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình XDNTM TP chia sẻ đôi nét về Chương trình OCOP tại Việt Nam nói chung và tình hình triển khai Chương trình OCOP tại TP.HCM:

Ông Thái Quốc Dân: 

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, viết tắt là Chương trình OCOP (One Commune One Product) được bắt nguồn từ Nhật Bản từ những năm 1970 và được lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam từ năm 2005 đã xuất phát những cơ sở để hình thành và phát triển phong trào với Đề án “Mỗi làng một nghề” đã được đề xuất nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển bền vững. Tiếp theo đó, đến ngày 07/7/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 66 về phát triển ngành nghề nông thôn.

Ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490 về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/1/2019 UBND thành phố ban hành quyết định số 385 về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2020. UBND TP cũng đã ban hành Quyết định số 1292 ngày 15/4/2020 về việc ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở để đánh giá, chấm điểm các sản phẩm tham gia Chương trình.

Hoa cây kiểng là một trong những sản phẩm OCOP của TPHCM. Ảnh minh họa: PN

*VOH: Thưa ông Hồ Ngọc Thiện – Trưởng phòng Kinh tế - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới huyện Cần Giờ, theo thực tế địa phương, những sản phẩm đặc trưng nào có thể định hướng tham gia Chương trình OCOP ?

Ông Hồ Ngọc Thiện: Cần Giờ đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nên tất cả những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất và nuôi trồng trong khu dự trữ sinh quyển thế giới. Do đó có những đặc trưng về giá trị, chất lượng của sản phẩm. Thứ hai, Cần Giờ là nguồn giao thoa giữa hai nguồn nước, nước mặn và nước ngọt từ các con sông đổ ra biển. Ngay cả trong huyện Cần Giờ, ở những thị trấn khác nhau thì có những điều kiện sản xuất khác nhau, tạo ra chất lượng cũng như sản phẩm khác nhau. Những sản phẩm tại huyện Cần Giờ cũng nhận định là tham gia chương trình OCOP.

*VOH: Xuất phát từ thực tiễn trong công tác, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình, bà Hoàng Thị Mai – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP cho biết thành phố mình đã có chính sách nổi trội nào hỗ trợ cho việc phát triển chương trình OCOP trên địa bàn thành phố? Nội dung của chính sách?

Bà Hoàng Thị Mai: Để hỗ trợ cho những sản phẩm thuộc chương trình OCOP, từ năm 2011 TP đã ban hành quyết định số 36 về quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó có khuyến khích hỗ trợ các sản phẩm OCOP. Qua quá trình triển khai thực hiện TP đã có điều chỉnh bổ sung để phù hợp hơn với thực tế, để khuyến khích đông đảo bà con tham gia phát triển sản phẩm OCOP.

Nội dung cụ thể của chính sách này là hỗ trợ lãi suất đầu tư cho các tổ chức, cá nhân, cho các hộ gia đình khi tham gia đầu tư các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Cụ thể, TP hỗ trợ 100% lãi vay khi tham gia vay vốn để đầu tư xây dựng cơ bản mua máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP. Nội dung hỗ trợ thứ 2 là hỗ trợ từ 60% đến 80% tùy từng hạng mục đầu tư. Thời gian hỗ trợ lãi vay theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây con, từng loại sản phẩm OCOP, tuy nhiên thời gian hỗ trợ lãi vay không vượt quá 5 năm/phương án.

Về thẩm quyền xem xét hỗ trợ phương án đầu tư khi tham gia vay vốn, thì TP có hướng dẫn rõ, phương án đầu tư phát triển sản phẩm OCOP, vay từ 10 tỷ đồng trở lên thì do TP ra quyết định hỗ trợ lãi vay. Còn đối với phương án đầu tư phát triển sản phẩm OCOP vay dưới 10 tỷ đồng thì do UBND quận, huyện xem xét và phê duyệt phương án đầu tư.

*VOH: Mời ông Thái Quốc Dân chia sẻ thông tin, nhận định xoay quanh những kết quả ban đầu từ chương trình OCOP của TP trong thời gian qua, một số sản phẩm nổi trội của thành phố có thể đạt chất lượng cao khi tham gia chương trình OCOP.

Ông Thái Quốc Dân: Hiện nay, căn cứ theo Đề án 385, chương trình OCOP của TP sẽ tập trung vào phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm 3 nhóm và 6 sản phẩm chủ lực: nhóm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. 6 sản phẩm gồm: 1.rau, 2. hoa cây kiểng, 3. bò sữa, 4. heo, 5. tôm nước lợ và 6. cá cảnh cùng các sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn có sử dụng nguyên liệu nguồn gốc nông nghiệp: bánh tráng Phú Hòa Đông, đan đát xã Thái Mỹ, mành trúc Tân Thông Hội, đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, xoài - Long Hòa; cá dứa – Cần Giờ…

Kết quả bước đầu về phát triển sản xuất, giá trị sản xuất tăng, góp phần cải thiện thu nhập người dân khu vực nông thôn, cụ thể năm 2019, căn cứ theo kết quả điều tra của Cục Thống kê thành phố, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tại 5 huyện nông thôn mới đạt 63,096 triệu đồng/người/năm (tăng 172,32% so với năm 2010, lúc đó chỉ đạt 23,17 triệu đồng/người/năm).

*VOH: Mời bà Hoàng Thị Mai nhận định về kết quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Theo bà thì chính sách này có được đông đảo hộ dân hưởng ứng thực hiện không?

Bà Hoàng Thị Mai: Đến nay được đông đảo bà con, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia. Tính từ năm 2011 lũy tiến cho đến nay đã phê duyệt khoảng trên 8 ngàn quyết định phương án hỗ trợ vay vốn cho các tổ chức, hộ dân, cá nhân với tổng số lượng hộ dân tham gia vay vốn là trên 24.000 lượt hộ vay, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 ngàn tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay là trên 8 ngàn tỷ đồng, trong số đó vay vốn để phát triển sản phẩm OCOP chiếm khoảng 72%. Cho thấy rằng 1 đồng vốn ngân sách TP bỏ ra, thì sẽ huy động được hơn 20 đồng vốn từ xã hội, trong đó 12 đồng vốn từ các tổ chức tín dụng và 8 đồng vốn từ người dân tham gia vào phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các sản phẩm OCOP của TP.

*VOH: Cảm ơn bà Hoàng Thị Mai.

Đoàn viên, thanh niên háo hức giúp dân làm đường: Tiếp sau Lễ ra quân chiến dịch tình nguyện hè 2020, đã diễn ra lễ khởi công công trình bê tông hóa tuyến đường Tổ 18 thuộc huyện Bình Chánh.

 

Hàng loạt hoạt động văn hóa sôi nổi diễn ra trong ngày hội văn hóa Quận 5: Ngày 12/7, Quận 5 tổ chức ngày hội văn hoá thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hoá và xây dựng nếp sống văn minh, đô thị”.

Bình luận