Do ảnh hướng của dịch bệnh, việc trao giấy chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao chậm hơn so với mọi năm. Lần này, cả nước có 604 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn và các ngành chức năng, địa phương xác nhận, được Hội công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong đó Hội đã tổ chức trao tại Hà Nội cho 72 doanh nghiệp đại diện và tại TPHCM cho 200 doanh nghiệp đại diện.
Đại diện các doanh nghiệp tại Lễ trao chứng nhận. Ảnh: SGGP ĐTTC
Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao tiếp tục là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để người tiêu dùng trong nước và cả người tiêu dùng tại Campuchia, Lào chọn mua hàng hoá của các doanh nghiệp Việt. Giấy chứng nhận với những tiêu chí cụ thể và ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Trong khoảng 2 năm, Hiệp hội bắt đầu khởi động hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập, đây là một cách làm rất mới và bắt kịp xu thế khi mà trước đây tất cả thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao thì dựa trên yếu tố đầu ra, tức là niềm tin của người tiêu dùng, cách tiếp cận của chúng ta là đi từ khách hàng, nhưng đến một thời điểm nhất định thì chúng ta thấy rằng không chỉ là một đánh giá chủ quan của khách hàng, mà nó bắt đầu phải đi vào những vấn đề gốc của sản phẩm hàng hóa, đó chính là chất lượng, đó chính là vệ sinh an toàn thực phẩm...và chính việc sớm nhìn nhận ra những vấn đề, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đã bắt đầu xây dựng thêm một chuẩn mới mà đánh giá từ góc độ đầu vào và chuẩn hội nhập quốc tế. Cùng với tổ chức GlobalGap thì đã hình thành chuẩn GlobalGap".
Đồng thời, trong quá trình lấy ý kiến bình chọn của người tiêu dùng cho danh hiệu này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng ghi nhận đầy đủ các xu hướng, yếu tố tác động đến quyền chọn lựa của người tiêu dùng. Doanh nghiệp dựa trên cơ sở này để đầu tư cho dây chuyền sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm hoặc điều chỉnh cho phù hợp thị hiếu tiêu dùng.
Cuộc khảo sát cho danh hiệu lần này diễn ra trong 3 tháng cuối năm 2019, với 120 phỏng vấn viên trên toàn quốc cùng 40 quản lý, giám sát vùng đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp: gần 12.700 hộ gia đình, hơn 2.560 điểm bán tại các tỉnh, thành phố thuộc những trung tâm kinh tế trọng điểm của bốn vùng kinh tế, đồng thời khảo sát online thu được gần 2.000 ý kiến trả lời.
Kết quả sơ bộ có 770 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2020, trong đó có 39 doanh nghiệp được bình chọn lần đầu và 54 doanh nghiệp tạm rời khỏi danh sách bình chọn năm 2019. Đặc biệt, có 36 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn liên tiếp 24 năm.
Đối với kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng, bà Hồ Đức Minh – Chánh văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, các yếu tố chọn mua thì thứ nhất vẫn là tính an toàn, thứ hai mới đến các yếu tố về ngon, hợp khẩu vị, giá cả… và thứ ba chúng tôi muốn lưu ý yếu tố người tiêu dùng rất quan tâm chính là các thông tin rõ ràng ở trên sản phẩm, việc mà hiện nay các sản phẩm ứng dụng các công nghệ để có thể truy xuất nguồn gốc và tìm kiếm thông tin dễ hơn, tốt hơn, sẽ làm cho người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm, đi kèm với đó là quan tâm đến sự an toàn trong sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp đạt Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020 cho biết, cách thức sản xuất để được người tiêu dùng lựa chọn là tham gia đóng góp chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ và khoa học kỹ thuật để đảm bảo đưa ra quy trình canh tác hợp lý, thứ hai là truy xuất được nguồn gốc, thứ ba là các sản phẩm theo chuỗi sinh học để đảm bảo dư lượng và chất lượng hạt gạo tốt hơn. Ngoài ra trong lĩnh vực sức mạnh của mình là giống, Lộc Trời cũng nghiên cứu cùng với các nhà khoa học, các viện trường đưa ra các giống mới thích hợp cho các vùng sản xuất, các vùng canh tác khác nhau, chính vì vậy làm cho giá trị hạt gạo tăng lên cả về chất, năng suất tăng cho nên giá thành giảm, góp phần cạnh tranh với các nước.
Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 và hậu quả tác động thị trường còn tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp cần có thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, trong thời gian tới Hội sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, trụ vững trên thị trường nội địa, đồng thời thúc đẩy chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” và các tiêu chuẩn quốc tế cần thiết để thăm nhập thị trường thế giới.