Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực Logistics

(VOH) – Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp...

Nguồn nhân lực ngành logistics đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Hiện nay với thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực nên công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics đã và đang được đẩy mạnh. Các trường đại học tiếp tục phát triển đào tạo mở ngành Logistics.

Tại Hội thảo khoa học trực tuyến Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Đào tạo và Thực tiễn”, tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Hồng, Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) có bài phân tích dữ liệu khảo sát các học phần đào tạo khác nhau giữa các trường đại học trên thế giới, tỷ lệ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo tại UEF còn khá thấp, chỉ chiếm 6/132 tín chỉ, tương đương 5%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đại học Bắc Florida (Mỹ) là 11%, tại Đại học Curtin (Singapore) là 21%, Đại học Logistics Kuhne (Đức) là 39%. Riêng trường đại học Kinh tế - Tài chính tự hào có một học phần mà các trường đào tạo khảo sát không có, đó là học phần quản lý và vận hành cảng biển. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Hồng cũng nhìn nhận việc đào tạo ngành logistics tại Đại học UEF còn thiên về lý thuyết thiếu thực tiễn đặc biệt thiếu các ứng dụng của công nghệ, số hoá quản trị, đặc biệt tự động hoá vào logistics. "Đề nghị ban lãnh đạo nhà trường cập nhật chương trình đào tạo, bổ sung các môn học hiện đại như E-logistics, code và dữ liệu quản trị, thiết kế nhà xưởng, nhà kho…Đưa giảng viên UEF sang các trường bạn để nghiên cứu, học tập để áp dụng cho sinh viên Việt Nam, đồng thời đầu tư mua giáo trình từ nước ngoài về áp dụng”, tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Hồng nêu ý kiến.

Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics 1
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Hồng, Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) trình bày báo cáo tại hội thảo “Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Đào tạo và Thực tiễn”

Về phía góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động logistics, ông Nguyễn Tuấn Nam, Giám đốc Kinh doanh và Vận hành FM Logistic Việt Nam cho biết: Tỉ lệ nhân viên mới tuyển có kiến thức chuyên môn khiêm tốn, hầu hết chưa được đào tạo sử dụng phần mềm quản lý kho vận hay logistics, không chịu được áp lực công việc, kỹ năng ngoại ngữ còn hạn chế,... Doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân sự nên cũng mất khá nhiều thời gian cho việc tuyển dụng và đào tạo”. Ông Nam cũng đưa ra khuyến cáo các trường đại học, cao đẳng khi đầu tư, lựa chọn phần mềm giảng dạy về logistics và quản lý kho vận nên quan tâm đến mức độ phổ thông của phần mềm, khả năng áp dụng vào thực tiễn rộng, giao diện thân thiện với người dùng.

Ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực logistics

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, logistics trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo bà Phạm Thị Thu Hương - Tổng giám đốc Công ty Vinafco chuyển đổi số trong ngành logistics bắt đầu dựa trên ba yếu tố: “Đầu tiên người lãnh đạo phải tiên phong thay đổi cách làm thì sẽ có chuyển đổi số, tiếp đến là quy trình với công nghệ là phương tiện nhưng quan trọng vẫn là cách làm, cuối cùng là yếu tố người dùng biết họ cần gì để doanh nghiệp đáp ứng. Các doanh nghiệp logistics vẫn nhìn nhận ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những thách thức chính đòi hỏi cần có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Điều này đặt trách nhiệm lên vai của các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo trong lĩnh vực này”.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Ánh Tuyết - Học viện Ngân hàng (Hà Nội) khi ứng dụng công nghệ số trong đào tạo logistics và chuỗi cung ứng mang lại lợi ích trong việc gắn liền đào tạo với thực tiễn, giúp sinh viên có định hướng cụ thể trong hoạt động học tập, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động mô phỏng nghiệp vụ vận hành logistics, giúp sinh viên hiểu rõ về ngành nghề, lan tỏa niềm yêu thích với logistics, tiết kiệm chi phí trong đào tạo, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, theo bà Vũ Thu Huyền, Trưởng phòng kinh doanh Miền bắc - Công ty CP giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, doanh nghiệp cũng gợi ý sử dụng Big Data và nền tảng AI để tối ưu hoá hoạt động logistics. Đưa ứng dụng phần mềm trong lĩnh vực logistics vào trường học để sinh viên nắm được quy trình và áp dụng vào thực tiễn khi làm tại doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực ngành logistics đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, thời gian vừa qua, Tổng Cục cũng đã chỉ đạo tích cực các trường có giải pháp phát triển ngành logistics.

Tổng Cục sẽ phải tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà trường - Nhà nước. Việc này đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, hướng tới đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Hội thảo khoa học trực tuyến Cập nhật xu hướng phát triển công nghệ số trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Đào tạo và Thực tiễn” do Khoa kinh tế - Trường đại học Kinh tế tài chính TPHCM phối hợp cùng Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam – VALOMA và Khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Ngân hàng (Hà Nội) tổ chức. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo VALOMA CONFEST 2022”  về logistics và quản trị chuỗi cung ứng do VALOMA tổ chức.

Bình luận