Ngày 17/8, tại toạ đàm với chủ đề “Giải mã cơn khát nhân tài công nghệ số”, bà Lê Kim Tuyến – Khối Nhân sự, Tập đoàn Viettel cho biết, với nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 1.000 vị trí mỗi năm, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự. Tập đoàn hiện đang áp dụng song song 2 chiến lược là Tuyển từ thị trường (BUY) và Phát triển nhân tài nội bộ (BUILD).
Theo Khảo sát Thiếu hụt Nhân tài 2022 của ManpowerGroup, có đến 76% nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, trong đó có kỹ năng mềm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - ManpowerGroup Việt Nam cho biết, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, hay khả năng thích nghi… là top những kỹ năng mềm được các doanh nghiệp ngành IT/Tech tìm kiếm nhiều nhất ở ứng viên hiện nay. “Các doanh nghiệp đang sẵn sàng chi trả mức lương ngày càng cao để thu hút và mời nhân tài về làm việc cho mình – có nhiều khách hàng hiện nay đang tuyển những vị trí với mức lương từ 3.000 USD/ tháng, nhưng có vẻ như điều đó là chưa đủ”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo ông Sơn, chìa khóa giúp các doanh nghiệp giải bài toán khan hiếm nhân lực trong kỷ nguyên số bắt đầu từ việc nâng cao năng lực tuyển dụng của chính tổ chức. Bên cạnh các chương trình đào tạo nội bộ, một môi trường làm việc tôn trọng sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cũng giúp doanh nghiệp thu hút đa dạng nhiều nhóm nhân tài.
Báo cáo của ManpowerGroup cũng chỉ ra giải pháp Thuê ngoài nhân sự (Outsourcing) đang là xu thế chung được nhà tuyển dụng IT/Tech trên toàn cầu hướng đến, với tỷ lệ sử dụng dịch vụ này là xấp xỉ 50%.
“Đừng chỉ quan tâm đến sở trường của ứng viên khi tuyển dụng. Trong quá trình làm việc, hãy trao cho nhân viên cơ hội tham gia vào các dự án, hoạt động nhóm với những vai trò khác nhau, như vậy mới có thể phát hiện ra tài năng tiềm ẩn của họ”, ông Sơn chia sẻ.