Vì sao doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ?

(VOH) - Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam sẽ chịu tác động bởi Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ có hiệu lực và thực thi từ ngày 21/6/2022.

Một số nhãn hàng đã dừng các đơn hàng có nguồn gốc từ Tân Cương để tránh sự điều chỉnh của Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ. Thông tin này vừa được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vũ Đức Giang, chia sẻ tại Hội nghị chuỗi cung ứng bông bền vững mới đây.

Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào ngày 23/12/2021. Đạo luật này cho rằng, hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương được làm bởi lao động cưỡng bức, và do đó bị cấm theo Đạo luật thuế quan 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ.

Việt Nam nhập khoảng 14 tỷ đô la Mỹ bông, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc. Tỉ trọng bông Trung Quốc rất lớn, đặc biệt đến là từ vùng Tân Cương. Theo đạo Luật chống lao động cưỡng bức, các doanh nghiệp sử dụng bông của Trung Quốc từ vùng Tân Cương khi xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ sẽ bị truy xuất nguồn gốc và có thể bị hủy bỏ đơn hàng. Hiện đã có một số doanh nghiệp dệt may của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đạo luật này. Và Đạo luật này ảnh hưởng lớn đến những đơn hàng mà các nhãn hàng đã ký với các doanh nghiệp trước đó.

“Đây là vấn đề tôi đánh giá là phức tạp và cũng không dễ xử lý trong thời gian gần. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo ứng phó cho các đạo Luật này. Về phía hiệp hội, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguồn bông có tính chất minh bạch, dễ truy xuất và để tránh được những rủi ro không đáng có từ đạo Luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ chi phối” - ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI) tại Việt Nam, nhìn nhận.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ gặp khó khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ 1
Hội nghị chuỗi cung ứng bông bền vững nhằm cung cấp thông tin về đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ cho các doanh nghiệp nắm bắt, cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng, tiềm năng, giải pháp của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xây dựng quá trình đàm phán và hợp tác liên kết với các đối tác nước ngoài

Ở góc độ doanh nghiệp dệt may, để tránh tổn thất từ đạo Luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ, ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may cho hay: “Dệt may Thành Công đã ý thức được vấn đề bông Tân Cương, do đó chúng tôi đã tham gia ngay U.S. cotton. Thực tế mà nói, với trải nghiệm, chúng tôi thấy đây là điều rất có lợi cho doanh nghiệp. Chi phí không nhiều, chúng ta chỉ tốn có 500 đô la Mỹ/năm. Theo đó, chúng ta sẽ được xác nhận sử dụng bông Mỹ. Thứ hai, có đội ngũ kỹ thuật hàng năm đến nhà máy kiểm tra, đánh giá từ mục 1 đến mục 9, đưa ra khuyến nghị đến 40 trang, chỉ ra những điểm yếu để nhà máy chúng ta phải cải thiện”.

5 tháng đầu năm 2022, sản lượng nhập khẩu bông của Việt Nam đạt xấp xỉ 650.000 tấn tương đương trị giá 1,5 tỷ đô la Mỹ, mặc dù tăng về giá trị do ảnh hưởng từ việc tăng giá đồng loạt các loại hàng hóa chung nhưng giảm khá lớn về lượng -19% so với cùng kỳ năm trước. Bông Mỹ vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng trên 58%, xếp thứ 2 và 3 lần lượt là Brazil với 25,5%, và Ấn Độ là 7,5%, xếp thứ 4 và 5 là bông xuất xứ Tây Phi và Úc.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu xơ sợi đạt mức 650.000 ngàn tấn, trị giá 2,2 tỷ đô la Mỹ. Mặc dù tăng 15% về trị giá nhưng lại giảm -10% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt đang có xu hướng giảm. Trong khi lượng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng không đồng đều giữa các thị trường so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh về lượng ở một số thị trường như Mỹ, Bangladesh, Indonesia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, xuất khẩu giảm tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Pakistan, Ấn Độ, Brazil…

Hiện một số nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương, vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ bông Tân Cương sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Và hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị dừng đơn hàng. Trước tình hình đó, ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp vào khoảng trống do các nhãn hàng Mỹ để lại.

“Các doanh nghiệp phải theo dõi sát tình hình diễn biến của đạo luật này được áp dụng vào các điều khoản nào trong tình hình hiện nay về nguồn gốc xuất xứ từ bông, sợi, dệt nhuộm để tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu. Các doanh nghiệp cũng cần làm rõ với các nhãn hàng về việc mua nguyên liệu, vì có trường hợp các nhãn hàng chỉ định cụ thể nơi mua nguyên liệu cho doanh nghiệp, song với những trường hợp doanh nghiệp chủ động mua nguyên liệu thì cần cẩn trọng", ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng lưu ý.