Việc FED tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?

(VOH) - Ngày 14/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 15 năm, đưa mức lãi suất hiện nay lên khoảng 4,25-4,5%.

4,25-4,5% là mức lãi suất tham chiếu cao nhất của Mỹ kể từ tháng 12/2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. 

Lần này, FED tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều dấu hiệu sắp suy thoái vào năm 2023.

Dù FED tin rằng, việc tăng lãi suất sẽ giúp rút tiền ra khỏi nền kinh tế, làm giảm nhu cầu và cuối cùng là kéo giá cả xuống thấp hơn, sau khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm – nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, điều này khiến cuộc chiến chống lạm phát chưa thể kết thúc.

fed
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà kinh tế, khi Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất, nguyên nhân chính đến từ lạm phát mà nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do các yếu tố từ lượng cung ứng tiền quá nhiều, lãi suất thấp, cầu kéo, chi phí đẩy…

Một trong những nguyên tắc kinh tế là tiền và hàng hóa sản xuất phải cân bằng. Khi lượng cung tiền nhiều hơn sẽ dẫn đến lạm phát. Lạm phát tăng cao dẫn đến giá cả hàng hóa ngày càng tăng vọt; tiền tệ trong hệ thống kinh tế lưu thông quá nhiều sẽ dẫn đến lượng dư thừa. Khi những lượng dư thừa này được đem đi đầu tư vào những tài sản rủi ro cao, từ đó dẫn đến bong bóng tài sản và nguy cơ rủi ro lớn cho thị trường. 

Việc Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất sẽ giải quyết một số vấn đề trên nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng mang tính toàn cầu. Việt Nam cũng là một phần trong các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh này. 

Đối với nền kinh tế nói chung, Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhìn chung sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Chỉ là sự ảnh hưởng đó diễn ra ngay hay sẽ chậm lại so với các quốc gia khác.

Cụ thể là, tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng lên, khiến xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm do giá tăng cao, gây khó khăn trong cung ứng hàng hóa nguyên liệu.

Ngoài ra, nợ công sẽ tăng lên do các khoản nợ nước ngoài đa phần đều phải thanh toán bằng USD; lãi suất FED tăng khiến khoản nợ tăng theo tỷ giá và lãi suất USD. Gây ảnh hưởng đến cán cân thu chi của Chính phủ. 

Lãi suất FED tăng cũng khiến đồng USD hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, đồng tiền nội địa mất sức hấp dẫn; nhu cầu mua hàng xuất khẩu từ Việt Nam của các quốc gia khác cũng giảm. Do lãi suất FED tăng, người dân cũng như doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm, sẽ là khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu.

Đối với thị trường chứng khoán, khi FED tăng lãi suất sẽ gây ra những tác động khác nhau, chẳng hạn như dòng vốn ngoại giảm, áp lực lãi suất tăng…

Lãi suất FED tăng khiến dòng vốn các nhà đầu tư từ các quốc gia có thể sẽ rút dòng tiền từ thị trường chứng khoán Việt Nam sang Mỹ nhằm tránh các rủi ro cũng như lợi suất hấp dẫn hơn. Điều này gây ảnh hưởng trầm trọng đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu có thể bị bán và giảm điểm trong nhiều phiên liền…

Bình luận