Việt Nam thu hút trung bình 7 tỷ đô la Mỹ vốn FDI mỗi năm

(VOH) - Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trung bình đạt khoảng 7 tỷ đô la Mỹ/năm.

Đây là thông tin được công bố tại hội thảo Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam do VCCI tổ chức vào ngày 18/11.

Trong hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, Việt Nam thu hút trung bình 7 tỷ đô la Mỹ/năm. Trong giai đoạn 1988 đến năm 2020, vốn FDI thực hiện bằng khoảng 47% vốn đăng ký.

Tính đến nay, nguồn vốn từ khu vực FDI chiếm gần 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp hơn 20% vào cơ cấu GDP với các ngành công nghiệp xây dựng tỷ lệ lên tới 53%.

vốn FDi
Hội thảo Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam do VCCI tổ chức hôm 18/11

Dù Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, hạn chế, tồn tại vẫn còn, chẳng hạn như hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước chưa được như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020 có tới 56% trong tổng số 25.200 doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ, dù tài sản của các doanh nghiệp này tăng 22%...

“Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nói và cho rằng, các địa phương có vai trò trong việc thẩm định dự án FDI để lựa chọn được dự án tốt.

Để giải bài toán “thẩm định” dự án FDI, VCCI và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp xây dựng bộ công cụ để sàng lọc dự án FDI, nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố xác định, giảm thiểu, ngăn ngừa và quản lý tốt hơn các tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn của dự án đầu tư.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư FDI sẽ thẩm định dự án tại các địa phương, có sự đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế. Đặc biệt, đánh giá nhu cầu sử dụng đất; hiệu quả kinh tế xã hội và tác động môi trường, về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

Theo ông Tuấn: “Đối với các địa phương, chúng tôi hy vọng rằng là đây cũng là công cụ hữu ích cho công tác thẩm định các dự án FDI và xây dựng một cơ chế thích hợp trong giáp với các nhà đầu tư.

Chúng tôi cũng tin rằng là đây là một bộ công cụ có thể giúp cho các nhà đầu tư biết những yêu cầu bắt buộc quy định của pháp luật và cũng hướng tới việc khuyến khích các nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về kinh doanh, có trách nhiệm”.