Chờ...

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI cho TPHCM

(VOH) - Các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là “điểm cộng” để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại.

Cho tới nay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU.

Theo ông Đinh Vĩnh Cường- chủ tịch CLB kết nối DN Việt Nam và quốc tế (Viện nghiên cứu đầu tư tài chính hợp tác thương mại Đông Nam Á) cho rằng: chi phí không chính thức chính là rào cản, là "nút thắt" cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng.

Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội "vàng" để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Theo ông Cường, các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là “điểm cộng” để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Tuy vậy, để thu hút nguồn vốn FDI cho TPHCM thời gian tới, ông Đinh Vĩnh Cường – chủ tịch CLB kết nối DN Việt Nam và quốc tế (Viện nghiên cứu đầu tư tài chính hợp tác thương mại Đông Nam Á) đề xuất các giải pháp:

Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI cho TPHCM 1
Ảnh minh họa: SGGPO

Mời quý vị nghe audio những đề xuất của ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch CLB kết nối DN Việt Nam và quốc tế (Viện nghiên cứu đầu tư tài chính hợp tác thương mại Đông Nam Á)

Chúng ta có nhiều nhà đầu tư, tôi nghĩ Sở KH-ĐT TPHCM nên có chính sách khác nhau, áp dụng với từng quốc gia khác nhau. Ví dụ như văn hoá đầu tư Nhật khác Hàn Quốc, nếu có thiết kế, bộ phận đáp ứng nhanh thông tin truy cập thì rất tốt.

Thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỉ lệ xuất khẩu cao còn những ngành ít vốn, công nghệ thấp thì huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước. Nếu có liên doanh thì bên Việt Nam là đối tác chính, ưu tiên những ngành có chất xám cao, có chính sách ưu đãi đặc biệt, tránh công nghệ thủ công mà vào khu công nghiệp.

Ngoài các hình thức đầu tư FDI như luật Đầu tư hiện nay quy định, để tăng cường thu hút FDI hơn, chúng ta có thể áp dụng các hình thức sau:

Công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới và được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Do đó Nhà nước cần phải có hệ thống văn bản pháp quy quy định về loại hình thu hút FDI này; Cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ý kiến của các nhà đầu tư, luật đầu tư quy định doanh nghiệp liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là cứng nhắc và gây bất lợi cho phía Việt Nam. Vì vậy Nhà nước nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mua cổ phần, nộp tỉ lệ góp vốn của phía Việt Nam;

Nhà đầu tư tự do lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với các yêu cầu.

Việc cải tiến quy chế đầu tư vào các khu công nghiệp và các khu chế xuất là cần thiết nhằm thu hút mạnh hơn nữa các dự án FDI vào các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể: Giảm giá thuê đất trong các khu công nghiệp và khu chế xuất để đảm bảo cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất.