Xác định 3 nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch TPHCM

(VOH) - Đi tìm giải pháp trọng tâm, chiến lược trong kế hoạch phát triển du lịch, sáng 22/4, HĐND TP phối hợp với Đài TNND TPHCM tổ chức buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề “Những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch TPHCM”.

Các khách mời tham gia chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP sáng 22/4. Ảnh: K.H

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM, thời gian qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên trách xây dựng nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này phát triển hơn trong tương lai.

Thống kê cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp không khói này đóng góp doanh thu ngày càng cao, trung bình xấp xỉ 80 ngàn tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 9% vào cơ cấu GRDP của thành phố.

Với sự phát triển không ngừng của những năm trước, TP cũng kỳ vọng và đặt ra mục tiêu, trong năm nay sẽ đón 7 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, đạt doanh thu 120 ngàn tỷ đồng.

Để đạt chỉ tiêu này, TP cần thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển sản phẩm du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá điểm đến TPHCM cả trong nước lẫn quốc tế.

Nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Về phát triển sản phẩm du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, TP đã và đang xây dựng nhiều tuyến điểm với các loại hình khác nhau như Du lịch Sinh thái kết hợp phát triển nông thôn mới ở Củ Chi, Cần Giờ, đề án xây dựng Phố tây Phạm Ngũ Lão, xây dựng phát triển phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông…

Trả lời chất vấn về việc các sản phẩm du lịch đường sông, đường thủy nội đô dậm chân một chỗ trong thời gian qua, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay: “Chúng tôi cảm nhận rằng, nếu làm những việc này một cách nhanh hơn thì sản phẩm du lịch TPHCM sẽ được bổ sung, hấp dẫn.

Từ năm 2017, chúng tôi đã phối hợp với Sở GTVT cũng như sở Quy hoạch kiến trúc tiến hành khai thác các cầu tàu ở khu vực bến Bạch Đằng để phục vụ cho giao thông thủy cũng như hoạt động du lịch. Đầu tháng 6, cầu tàu này sẽ đi vào hoạt động.

Với không gian phố đi bộ, dành cho khách quốc tế ở Phạm Ngũ Lão, Bùi Viên, thường trực UBND đã đồng ý, thống nhất cho phép, từ tháng 5 sẽ thí điểm tổ chức phố đi bộ trên phố Bùi Viện”.

Về góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, ông Trần Hùng Việt, TGĐ Tổng công ty Saigontourist cho rằng, nhiều sản phẩm du lịch vẫn chưa được đầu tư khai thác như ở quận 9, Cần Giờ. Ông Việt phân tích, việc phát triển du lịch đường sông các doanh nghiệp đã sẵn sàng tham gia.

Vấn đề chính ở đây là tập trung vô cầu tàu, bến đỗ. Xây dựng đặc thù sản phẩm du lịch ở từng địa phương là rất cần thiết, chẳng hạn như vừa qua, Quận 5 đã đưa phố đông y vào rất hay. Trong khi đó, ở quận 9, tôi thấy đâu khác gì đồng bằng sông Cửu Long. Ở đây có nhà vườn, cù lao, những đồng sen khá đẹp mắt, kênh rạch, ẩm thực đa dạng…

Góp ý cho sản phẩm du lịch, bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, đại diện Công ty Vietravel cho rằng, khách đến chỉ mất 1-2 ngày có thể khám phá toàn bộ những sản phẩm hiện có của thành phố, ví dụ như hội trường Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Bưu điện TP, địa đạo Củ Chi… Đây là những địa điểm quen thuộc vì nó đã quá nổi tiếng nên người ta muốn tới.

Trong khi đó, hiện giờ nhiều sản phẩm mới đã có nhưng chúng ta lại chưa đưa lên trong bản đồ sản phẩm. Chính vì vậy, làm sao trong thời gian tới, phải tiến hành để mình có thể tư vấn trực tiếp cho khách.

Để phát triển du lịch, bên cạnh Sở chuyên trách và các doanh nghiệp lữ hành, chính quyền các quận huyện cũng là nhân tố quan trọng. Với sự phân cấp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch mà UBND TP đã triển khai, hiện nay, chính quyền quận/huyện có vai trò then chốt trong việc quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh lữ hành và cả công tác quy hoạch sản phẩm du lịch.

Bà Trương Minh Kiều, phó chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, sự phân cấp trong quản lý hoạt động du lịch giúp địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng điểm đến, quy hoạch chi tiết bản đồ du lịch của mình.

“Quận 5 cũng đã có những giải pháp phát triển nguồn tài nguyên này thành sản phẩm du lịch, có gắn kế với Sở Du lịch để đưa vào chương trình phát triển du lịch chung của thành phố. Ngoài công tác quảng bá hình ảnh này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tiện ích công cộng để phục vụ du khách, duy trì an ninh, trật tự….

Cụ thể như phố trang sức, ngoài công tác vận động, thuyết phục bà con kinh doanh văn minh, lịch sự, xây dựng logo thương hiệu, chúng tôi cũng đầu tư vào chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại các vị trí giữ xe, đỗ xe, hệ thống chiếu sáng công cộng,...từ đó tạo sự khang trang, lịch sự của tuyến phố để sẵn sàng phục vụ khách du lịch”, bà Kiều cho biết thêm.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến trong chuyến khảo sát dịch vụ du lịch ở huyện Cần Giờ cùng với Sở Du lịch.

Đảm bảo an ninh an toàn; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Bàn về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; tránh đeo bám, chèo kéo, cướp giật; các đại biểu cho rằng, chính quyền địa phương, Sở Du lịch nên phối hợp chặt chẽ hơn; tăng cường các đội bảo vệ của Thanh niên xung phong tại các điểm đến ở TP. Với an toàn thực phẩm, cần thiết cũng nên quản lý bằng tem bán sản phẩm như các nước tiên tiến.

“Chúng tôi thấy rằng, du lịch ở Áo, Thụy Sĩ...là những đất nước rất yên bình và việc quyết định chính vẫn là an ninh, an toàn. Riêng ở châu Á, có thể xem từ kinh nghiệm Singapore, rất nghiêm trong mọi việc, từ an ninh, an toàn tới buôn bán đều phải có tiêu chuẩn. Chính vì vậy mà du khách cảm thấy an toàn khi bước vào một quán ăn truyền thống. Riêng đối với các khu ẩm thực thường có tem dán, kiểm tra rất an toàn. Ngay như việc bán nước mía thôi mà không đạt chuẩn nhiều khi bị tước giấy phép”, ông Trần Hùng Việt nêu ý kiến.

Nhấn mạnh đến vai trò của công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến để thu hút du khách, đại diện Sở Du lịch cũng cho biết đây là hạn chế thời gian qua mà tới đây Sở sẽ tập trung làm mạnh, kết hợp mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp lữ hành để hình ảnh TPHCM được du khách trong nước và thế giới biết đến nhiều hơn, kể cả quảng cáo trực tuyến, thông qua công nghệ.

Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Đoan Thùy, đại diện Công ty Vietravel mong muốn cung và cầu gặp nhau. Tức là, khi TP triển khai chương trình xúc tiến nên trao đổi với các DN tìm xem thị trường này có phù hợp trong thời điểm này hay không.

Mỗi doanh nghiệp có thị trường khác nhau nên không thể nào đua theo một thị trường được, nhưng sắp tới, thị trường nào sẽ đi du lịch nhiều, chúng ta đón đầu xu thế đó để xúc tiến ngay. Đơn cử như hiện nay, thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, người ta sẵn sàng chi tiêu lớn, đi du lịch rất nhiều. Đấy là xu hướng của cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Chúng ta đón đầu lượng khách đó như thế nào thì phải ngồi lại với nhau, nắm được xu thế đó để chúng ta làm xúc tiến cho nó đúng.

Củ Chi vừa mới đầu tư trò chơi mới "Lăn bóng nước khổng lồ để thu hút du khách"

Từ những ý kiến, phát biểu của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách, HĐND TP cho biết, để TPHCM là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn, mỗi Sở, ngành chuyên môn phải làm hết chức trách của mình theo lĩnh vực phân công. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên sự tham gia của các bên có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

“Trong thời gian tới, HĐND TP sẽ thực hiện việc giám sát các hoạt động của ngành du lịch, trong đó có việc phân cấp quản lý ngành; động thái của chính quyền các quận huyện trong việc triển khai thực hiện nội dung các chỉ đạo của Đảng tại Nghị Quyết 08 của Bộ chính trị, Chỉ thị số 07 của Ban thường vụ Thành ủy để du lịch thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ góp phần quảng bá sức hút, sự hấp dẫn của điểm đến TPHCM mà thông qua đó góp phần thu hút đầu tư từ các nước trên thế giới. Du lịch phát triển cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngoại tệ của thành phố”, ông Dũng nhấn mạnh.