Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường

(VOH) - Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0" vừa được Tạp chí Mekong - ASEAN tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng.

Sự phát triển các Khu công nghiệp hiện nay bên cạnh mặt tích cực đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Do đó, theo các chuyên gia điều này đặt ra sự cần thiết phải chuyển đổi từ KCN truyền thống sang các mô hình bền vững hơn như KCN sinh thái.

Đây cũng là nội dung chính được đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0" vào chiều ngày 17/6.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thủy Chung - Đại diện Tạp chí Mekong ASEAN cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 1
Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế.

Xây dựng các khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường

Mở đầu Hội thảo, bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, hệ thống các Khu công nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cụ thể hiện nay Việt Nam có gần 400 Khu công nghiệp và Khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Tuy nhiên, theo bà Hiếu, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường. Trong đó có một số khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân do ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại.

Do đó, cần thiết phải chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn. Nhấn mạnh hơn vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 2
Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường.

Hành lang pháp lý hỗ trợ thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về khung chính sách, pháp luật cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, có thể nhiều người đã nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn nhưng cần tìm hiểu rõ kinh tế tuần hoàn là gì. Các học giả thế giới đã nghiên cứu nhiều định nghĩa về kinh tế xanh, kinh tế bao trùm nhưng kinh tế tuần hoàn được nổi lên là cách tiếp cận của nhân loại một cách toàn diện nhất.

Điều này xuất phát từ bối cảnh dân số thế giới sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2100 so với năm 1990, đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đủ nguồn lực để đáp ứng thách thức này hay không. Nhất là khi 68% dân số thế giới dự kiến sẽ sống ở các khu vực thành thị vào năm 2050 (nguồn UNDSEA, 2020) sẽ làm nảy sinh các nguy cơ quá tải, tắc nghẽn giao thông, phát sinh chất thải, chất lượng cung cấp năng lượng, ô nhiễm không khí và bất bình đẳng thu nhập.

Theo ông Toản, để hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn cần xác định cấu trúc chung có 3 phần: Ứng dụng vật liệu hữu ích; Kéo dài vòng đời sản phẩm; Sử dụng và sản xuất sản phẩm thông minh hơn.

Từ 3 cấu trúc này dẫn đến cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn đi từ kinh tế tuyến tính truyền thống đến tăng tính tuần hoàn bằng việc nâng lên các cấp độ được thể hiện trong việc sử dụng ít tài nguyên hơn và ít áp lực với môi trường hơn. Lấy mô hình kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng tại Nhật Bản làm dẫn chứng, ông Toản chỉ ra nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn là chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính: Hoạt động kinh tế một chiều thông qua sản xuất hàng loạt, tiêu thụ hàng loạt và thải bỏ hàng loạt sang áp dụng các sáng kiến 3R trong các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị gia tăng thông qua dịch vụ, trong khi vẫn tận dụng hiệu quả trữ lượng và giảm thiểu đầu vào tài nguyên và tiêu thụ.

Hiện nay, theo ông Toản, các cấp độ của kinh tế tuần hoàn đang gồm: Cấp vĩ mô xem xét kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, đô thị, vùng, địa phương; Cấp trung gian xem xét kinh tế tuần hoàn với góc độ cộng sinh công nghiệp; Cấp vi mô xem xét ở cấp độ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; Cấp sản phẩm xem xét đến mức độ tuần hoàn của từng sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

Để tăng cường kinh tế tuần hoàn phát triển, về mặt pháp luật, theo Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đường lối và chính sách của Việt Nam đã quy định rất rõ về vấn đề này. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường có điều 142 về kinh tế tuần hoàn, xây dựng tiêu chí, lộ trình và trách nhiệm các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, chủ đầu tư, các tổ chức và các cộng đồng xã hội.

“Mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích, do đó trong thủ tục cần thực hiện để xã hội xác nhận kinh tế tuần hoàn nhưng không hành chính hóa việc này. Chính sách ưu đãi của Nhà nước không có quy định rõ ràng nhưng tiệm cận sang các quy định, điều khoản khác có dáng vóc của kinh tế tuần hoàn để được hỗ trợ lãi suất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế VAT… Từ đó, dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật về quản lý các khu công nghiệp để tạo sự đồng bộ”, ông Toản nhấn mạnh.

Ông nói thêm: "Nhiều doanh nghiệp muốn hỏi ưu đãi cụ thể của kinh tế tuần hoàn ở mức nào? Điều này phụ thuộc vào cân đối ngân sách Nhà nước. Chúng ta không quá cầu toàn, chỉ cần có góc xuất phát đúng và tiếp cận theo đúng bản chất khoa học để đưa vào Việt Nam".

Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch sẽ chỉ ra từng danh mục nào sẽ được áp dụng thí điểm trong đó có các thứ tự ưu tiên để kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 3
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec.

Muốn phủ điện mái nhà toàn KCN để tiến tới mục tiêu zero carbon

Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết, Khu công nghiệp này có diện tích hơn 263 ha, hiện có hơn 70 doanh nghiệp đầu tư.

“Ban đầu, chúng tôi định hướng là Khu công nghiệp xanh, sau đó khi có Nghị định 82, chúng tôi mới tiếp cận khái niệm Khu công nghiệp sinh thái và bắt tay vào xây dựng. Với 8 tiêu chí mà Nghị định 82 đưa ra về Khu công nghiệp sinh thái, Nam Cầu Kiền đều đã đảm bảo”, ông Điệp nhấn mạnh.

Thực tế, các nhà đầu tư khi tìm đến các Khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào Khu công nghiệp sinh thái. Lý do là việc này sẽ giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

“Tại Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau rất hài hoà vì giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp. Chúng tôi đang muốn xây dựng thêm hệ thống năng lượng tái tạo, phủ hết điện mái nhà để sử dụng trong Khu công nghiệp”, ông Điệp cho biết thêm.

Tuy nhiên việc phát triển điện mái nhà hiện còn nhiều vướng mắc, nên doanh nghiệp rất mong được cơ quan chức năng xem xét để tiến tới mục tiêu zero carbon. Theo đó Nam Cầu Kiền sẽ tự đầu tư hệ thống điện mái nhà, tự sử dụng và không đưa lên lưới điện quốc gia.

Về vấn đề xử lý kính năng lượng, theo ông Điệp là không đáng lo vì chúng có rất nhiều mạch kim có thể thu hồi được. Ông lấy ví dụ ở Nhật đã có rất nhiều nhà máy xử lý tốt loại này và đó chính là “đỉnh cao của kinh tế tuần hoàn khi tận dụng tất cả tài nguyên”.

Cũng theo người đứng đầu CTCP Shinec, một tiêu chí quan trọng nữa là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đem văn hoá địa phương, quốc gia trong việc xây dựng khu cây xanh của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và truyền thông về môi trường với nhận thức truyền thông trong bảo vệ môi trường là rất quan trọng, dẫn dắt thế hệ sau. Đây chính là lý do Shinec muốn đề xuất đưa tiêu chí này vào Khu công nghiệp sinh thái.

"Về Nghị định 35 mới về phát triển Khu công nghiệp sinh thái, tôi đề xuất quy trình có 6 Bộ thẩm định, đưa ra tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp nhanh chóng có cơ sở để thực hiện", ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 4
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dẫn dắt phần thảo luận trong Hội thảo.

Phát triển năng lượng mặt trời cần lưu ý hệ lụy

Với vai trò là người dẫn dắt phần thảo luận về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và phát triển khu công nghiệp sinh thái, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, vấn đề kinh tế tuần hoàn đã được nói đến từ những năm 1990. Năm 2022, ASEAN cũng coi đây sẽ là một năm thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn.

“Trước đây chúng ta nói nhiều đến kinh tế nâu, giờ nói đến kinh tế xanh. Trước nói nhiều kinh tế tuyến tính, giờ lại nói đến kinh tế xanh và thấp hơn là kinh tế sinh thái. Trước nói nhiều đến kinh tế truyền thống, giờ là thời kinh tế số lên ngôi. Nói như vậy không phải phủ định quá khứ mà thấy rằng nhận thức thay đổi rất nhanh trong 10 năm gần đây. Điều này thể hiện trong các FTA, cam kết quốc tế về môi trường, đặc biệt là cam kết tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Thủ tướng Phạm Minh Chính”, ông Võ Trí Thành phân tích.

Theo ông, có một quan điểm cần phải nhìn nhận rõ là “muốn chuyển hóa thì cần phải đánh đổi và muốn xanh thì phải bớt lợi nhuận”.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 5
GS.TS. Đặng Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

Cùng tham gia thảo luận, GS.TS. Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là điển hình của kinh tế tuần hoàn. “Hiện nay chúng ta đang có hơn 380 khu công nghiệp, trong đó có 280 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 250 khu có hệ thống xử lý nước thải”, bà Chi thông tin.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng các khu công nghiệp hiện nay có thể chia làm 3 dạng: Khu công nghiệp thời bao cấp; Khu công nghiệp hỗ trợ và Khu công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh sinh thái. Bà cũng cho rằng, Khu công nghiệp sinh thái muốn phát triển chỉ thuận lợi đối với các khu công nghiệp mới theo hướng xây dựng tập trung đi lên.

Bà Chi cũng chia sẻ từng tham gia hội đồng thẩm định đánh giá đề tài Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, trong đó đặc biệt chú ý đến sự phát triển của năng lượng mặt trời tại đây. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau 30 năm tuổi thọ của tấm pin mặt trời thì điều gì sẽ xảy ra?

“Điều đáng lo ngại nhất là chất thải sinh ra từ tấm pin mặt trời hỏng. Có các trường hợp là công ty bán pin mặt trời cam đoan nếu hỏng thì người dùng có thể bán lại và họ sẽ thu mua hết nhưng có khi chưa đến 3 năm những tấm pin hỏng thì công ty đó đã giải thể. Do đó có thể cảnh báo rằng việc tái chế lại các tấm pin mặt trời là rất cần lưu ý bên cạnh việc phát triển năng lượng mặt trời”, bà Chi nhấn mạnh.

Theo bà Chi, để phát triển xu hướng giảm phát thải thì phải xác định còn rất nhiều khó khăn, với việc cải tạo các khu công nghiệp kiểu cũ phát triển thành Khu công nghiệp sinh thái. Điều này phụ thuộc nhiều vào cơ chế chính sách, ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp và chủ đầu tư.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 6
GS. Phạm Văn Thức, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Pháp.

Khu công nghiệp là môi trường sống của công nhân

Cùng trao đổi về vấn đề này, GS. Phạm Văn Thức, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Pháp, đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong quá trình chuyển đổi sang Khu công nghiệp sinh thái. “Môi trường khu công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của công nhân và dân cư xung quanh, vì vậy việc chuyển đổi sang Khu công nghiệp sinh thái là hết sức cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Ông Thức cũng nhìn nhận môi trường Khu công nghiệp chính là môi trường sống của chính công nhân và khu dân cư gần đó. Nếu công nhân của khu công nghiệp khỏe thì chứng tỏ môi trường Khu công nghiệp tốt và khi công nhân khỏe mạnh về thế chất, tinh thần thì năng suất lao động sẽ tăng.

Tuy nhiên, ông cho rằng cơ chế chính sách phát triển, quy hoạch Khu công nghiệp sinh thái chưa rõ ràng, muốn cải tạo thì phải có lộ trình rõ ràng từng bước, đồng thời gắn phát triển Khu công nghiệp sinh thái với phát triển kinh tế xã hội.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 7
Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ.

Làm Khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém

Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ thì đánh giá: “Nhắc đến Khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó. Hiện nay, chính sách của chúng ta chưa khuyến khích Khu công nghiệp sinh thái, chưa có hành lang pháp lý chuẩn chỉ để doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm Khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém”.

Cụ thể theo ông Sỹ, làm theo mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỷ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo. Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp Việt còn xúc tiến đầu tư kém, chưa kéo được nhà đầu tư lớn quốc tế vào. Đó một phần còn do tình trạng xin xong làm dần, hàng chục năm vẫn chưa hình thành Khu công nghiệp. Trong khi thời hạn sử dụng chỉ còn 20-30 năm nữa thì nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia.

“Để phát triển KCN sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng. Đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Như tại Shinec, tất cả các đường giao thông đều chia từ vỉa hè vào 6m, sau đó trồng cây ở trên để ngăn cách. Với 20% cây xanh của các nhà đầu tư, 15% cây xanh ở chủ đầu tư Khu công nghiệp thì đã bám sát tiêu chí sinh thái. Đặc biệt trong phát triển Khu công nghiệp sinh thái, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng. Như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70-80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn”, ông Mai Văn Sỹ phân tích.

Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển Khu công nghiệp sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất như Khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Trong khi việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 8
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Mai Thế Toản.

Phải nhìn nhận kinh tế tuần hoàn theo hướng vĩ mô để có cái nhìn bao quát

Trong khi đó, đặt kinh tế tuần hoàn trong góc nhìn bao quát nhất, ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị định 08 đã ban hành về 4 điều kinh tế tuần hoàn với đầy đủ các tiêu chí. Trước đây dự thảo đề án kinh tế tuần hoàn của Việt Nam có lấy góp ý của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ đã đề nghị hết sức thận trọng trong bình luận khái niệm kinh tế tuần hoàn.

Bởi khái niệm nội hàm kinh tế tuần hoàn khác với khái niệm mô hình kinh tế tuần hoàn. Bản chất của kinh tế tuần hoàn đảm bảo nguyên tắc 9R, trong đó nhấn mạnh giảm thiểu tài nguyên thiên nhiên khai thác, tăng cường tái chế và giảm thiểu tối đa phát thải. Nếu để kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia thì tiêu chí sẽ khác mà ở khu công nghiệp thì tiêu chí cũng sẽ khác. Trong văn bản pháp luật thì các tiêu chí sẽ ở mức bao quát nhất.

Do đó nếu đưa ra chính sách không phù hợp với thực tế thì đó là chính sách không khả thi, nên chính sách cần bao quát và sát nhất với thực tế. Ông Toản cho biết, trong thời gian tới sẽ có các tiêu chí cụ thể cho khu công nghiệp sinh thái. Không có một quy định nào về kinh tế tuần hoàn nêu rõ được hưởng bao nhiêu % ưu đãi thuế, nhưng đối chiếu sang các quy định khác thì doanh nghiệp sẽ được các ưu đãi vay vốn tín dụng xanh, Nhà nước cấp bù lãi suất, các cơ hội tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài…

“Hội thảo hôm nay do Tạp chí Mekong Asean tổ chức là rất quý giá, nhưng mong các vị hãy nhìn nhận kinh tế tuần hoàn theo hướng vĩ mô để có được cái nhìn bao quát nhất cơ bản nhất và đúng đắn nhất”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Mai Thế Toản nhấn mạnh.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 9
Bà Nguyễn Trâm Anh - Chuyên gia kỹ thuật quốc gia của UNIDO.

Khó khăn của DN trong chuyển đổi, nhưng khung pháp luật đã có sẵn

Bà Nguyễn Trâm Anh - Chuyên gia kỹ thuật quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), đánh giá rằng khoa học công nghệ là rất cần thiết trong quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang sinh thái. Quá trình này có hai phần gồm chính sách và thực hiện.

“Chính sách phát triển Khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam đã có những quy định khá rõ rệt so với nhiều nước trên thế giới như Indonesia và Colombia. Đây là điểm tích cực”, bà Trâm Anh nhận định.

Ngoài sự hỗ trợ của chính sách, theo bà Trâm Anh, vai trò của Ban quản lý Khu công nghiệp cũng rất quan trọng trong việc chuyển đổi. Nhưng ở mặt này, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và Ban quản lý Khu công nghiệp của Việt Nam đang yếu hơn.

“Chuyển đổi sang Khu công nghiệp sinh thái là việc cần nhiều bên liên quan hỗ trợ, chứ không chỉ trông chờ vào nghị định. Cách mạng số đang tạo cho chúng ta nhiều cơ hội kết nối cộng sinh công nghiệp", bà Trâm Anh nói thêm.

Mô hình mạng lưới nhỏ của điện mặt trời là tối ưu hơn

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1 cho biết, để phát triển năng lượng mặt trời trên tổng thể thì cần sự khích lệ của Chính phủ. Năm 2020, quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã tạo cú hích lớn cho lĩnh vực này, giúp nâng cao nhận thức xã hội về năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo ông cái gì phát triển nhanh quá cũng để lại hệ luỵ. Việc phát triển quá nóng của điện mặt trời đã gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Hiện nay, EVN tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện trong thời gian chờ Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên trong quy hoạch điện VIII Chính phủ vẫn khuyến khích tự sản xuất, sử dụng. Thực tế, vai trò của năng lượng tái tạo ngày càng quan trọng, đặc biệt là sau cam kết COP26. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn mà Việt Nam thu hút quan tâm đầu tư từ nước ngoài. Ông Hùng dẫn ví dụ việc Tập đoàn Lego đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương. Đây là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên của Tập đoàn này.

Tiềm năng là vậy nhưng việc phát triển như thế nào thì yêu cầu các đơn vị tham gia phải tìm hướng đi thông minh hơn. Bài toán đặt ra với năng lượng điện mặt trời là phải sử dụng hết. Vì vậy, ông Hùng cho rằng mô hình mạng lưới nhỏ sẽ tối ưu hơn. Như các khu công nghiệp có mạng lưới điện riêng sẽ chủ động được nguồn năng lượng, tự phân bổ thừa – thiếu giữa các đơn vị.

Là nhà tổng thầu cơ điện, cùng với kinh nghiệm vận hành nhà máy điện cũng như năng lực về tư vấn trong ngành, ông Hùng cho biết PC1 đang xây dựng mô hình phát triển năng lượng dựa trên cơ sở số hoá, giúp chủ đầu tư, doanh nghiệp chạy ra những kịch bản tối ưu về xây dựng nguồn năng lượng tối ưu. Đây cũng là thế mạnh để PC1 tham gia hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 10
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh PC1.

Trong khi đó, theo ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, trong các dự án sẽ được cấp tín dụng xanh thì dự án năng lượng mặt trời là dự án đầu tiên. Nhưng tiêu chí xác định dự án căn cứ trên cường độ, tính khả thi của xử lý chất thải rắn và cuối cùng là phù hợp quy hoạch bảo vệ môi trường.

“Cái này chúng ta cần đặc biệt lưu ý nếu không sẽ thành nhập khẩu từ nước ngoài và là cơ hội để nước ngoài xuất khẩu phát thải vào Việt Nam. Nên chúng ta cần biết lựa chọn loại tấm pin và tối ưu nhất là lựa chọn tấm pin mặt trời sản xuất ở Việt Nam”, ông Toản nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch CTCP Shinec nhìn nhận, từ việc cơ chế chính sách mới được ban hành, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều thấy rằng các doanh nghiệp rất mong chờ các chính sách này. “Đây là hội thảo đầu tiên đón luồng tư tưởng mới từ Nghị định 35. Có375 Khu công nghiệp trên cả nước đều suy nghĩ về điều này. Hy vọng qua buổi hội thảo rất cởi mở này có thể lan tỏa ra các khu công nghiệp trên cả nước”, ông Điệp nhấn mạnh.

Xây dựng các Khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường 11
Toàn cảnh Hội thảo tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

8 tiêu chí về Khu công nghiệp sinh thái

1. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và lao động; khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.

2. Nhà đầu tư phát triển hạ tầng kết cấu khu công nghiệp cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định pháp luật, bao gồm: Dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy...) và các dịch vụ liên quan.

3. Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.

4. Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

5. Thực hiện ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp và ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp.

6. Có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

7. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong hoạt động hiệu quả tài nguyên và giám sát phát thải của khu công nghiệp, báo cáo Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương.

8. Hàng năm, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương và đăng trên website của doanh nghiệp.

Bình luận