Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn với giá trị gần 3 tỷ đô la Mỹ

(VOH) - 11 tháng vừa qua, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn với giá trị gần 3 tỷ đô la Mỹ.

So với cùng kỳ năm 2020, lượng cao su xuất khẩu tăng gần 12% nhưng giá trị tăng đến gần 41%. Thông tin vừa được đưa ra tại hội thảo “Sẵn sàng cho “bình thường mới” tiếp theo: Hướng đi tương lai cho ngành cao su”.

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam bình quân đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ.

Xuất khẩu, cao su thiên nhiên, ngày 18 tháng 12 năm 2021
Cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đặc biệt trong năm 2021, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi Nga, Đài Loan… Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Trong khi triển vọng về nhu cầu cao su thiên nhiên có thể chịu rủi ro liên quan đến biến thể mới và khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông.

“Sản phẩm công nghiệp cao su: vỏ xe, găng tay… sản phẩm gỗ cao su một năm cung cấp 10 triệu m khối cho cả Việt Nam, đó là nguyên liệu rất tốt; rồi hạ tầng trên đất cao su, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư trên cơ sở phát triển của địa phương, và cuối cùng là liên kết ứng dụng công nghệ cao trên đất cao su. Tức là một phần diện tích cao su sẽ chuyển thành các mục tiêu, nhưng diện tích bên cạnh vẫn là cây cao su, đó là cây truyền thống và duy trì ngành cao su, để cân đối và kéo theo phát triển cao su tiểu điền”, ông Trần Ngọc Thuận cho hay.

Những thách thức chưa từng có tiền lệ vừa qua cũng đã tạo ra động lực thúc đẩy thực hiện các cam kết về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và những nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, cũng như ứng dụng chuyển đổi số để tìm ra các giải pháp cho tình trạng tắc nghẽn cảng biển và gián đoạn sản xuất.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, với chuỗi giá trị vốn phức tạp và khác biệt đối với từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ. Do đó, việc xây dựng sơ đồ chuỗi cung và trao đổi thông tin, số liệu để tháo gỡ các trở ngại về logistics cũng ngày càng trở nên cấp bách nhằm đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng cao su.