Chờ...

Xuất khẩu gạo thu gần nửa tỉ USD dịp đầu năm, Pháp soán ngôi Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2

VOH - Xuất khẩu tăng, giá gạo giảm chỉ là tạm thời, xuất khẩu gạo vẫn lạc quan. Pháp bất ngờ mua gạo Việt lên đến 1.040 USD/tấn với sản lượng tăng hơn 16.000% trong tháng đầu năm.
Xuất khẩu gạo thu gần nửa tỉ USD dịp đầu năm, Pháp soán ngôi Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2 1
Năm 2024, đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên. Ảnh minh họa

Xuất khẩu gạo thu về gần nửa tỉ USD dịp đầu năm

Từ đầu đến ngày 15.2, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 703,5 USD/tấn, tăng 33,65% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1 - 15.2) đạt 150.944 tấn, trị giá 104,33 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.2, xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn.

So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD).

Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).

Năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn và 4,68 tỉ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm trước.

Giá gạo xuất khẩu chỉ giảm tạm thời

Giá gạo xuất khẩu những ngày gần đây của Việt Nam và các nước giảm về khoảng 600 USD/tấn. Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL cũng giảm hơn 1.000 đồng/kg trong tuần qua.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khi giảm 19 USD/tấn, ngày 25.2.2024 giá gạo Việt Nam đang được chào bán trên thị trường thế giới với giá 609 USD/tấn. So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã giảm 44 USD/tấn...

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm ở nhiều phiên nhưng vẫn đạt mức bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).

Các thương nhân nhận định giá gạo giảm chỉ là tạm thời, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước vẫn ở mức cao sẽ nhanh chóng đưa giá gạo tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh El Nino gây hạn hán khiến nguồn cung lúa gạo giảm sút tại nhiều nước như hiện nay.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng nhấn mạnh: Hiện tại, giá gạo giảm là do cuối năm 2023, giá gạo bị đẩy lên quá cao. Bởi nhu cầu gom gạo “nóng” của các doanh nghiệp để hoàn thành các đơn hàng trước đó. Nay giá gạo giảm về mức bình thường là điều dễ hiểu.

Xuất khẩu gạo vẫn lạc quan trong năm 2024

Các thương nhân ngành lúa gạo cho rằng, nhu cầu thế giới tăng, nguồn cung không tăng nhiều sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Vũ Tuấn Anh nhận định: "Khảo sát cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia dự báo cao hơn, hoặc tương đương năm 2023".

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo, năm 2024, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo. Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo. Tại Trung Đông, Iraq dự kiến sẽ nhập khẩu 1,9 triệu tấn trong năm 2024...

Còn theo Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương), khu vực Châu Phi cận Sahara tiếp tục là khu vực nhập khẩu lớn nhất thế giới và được dự báo sẽ nhập khẩu hơn 17 triệu tấn trong năm 2024, tăng 600.000 tấn so với năm 2023.

Các chuyên gia dự báo giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Các quốc gia trên khắp châu Á và châu Phi đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung kể từ khi Ấn Độ tăng cường các biện pháp hạn chế vào tháng 7. Giá gạo ở Philippines tăng cao, trong khi Indonesia yêu cầu quân đội hỗ trợ nông dân tăng sản lượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã và đang nỗ lực tái cơ cấu lại ngành lúa gạo nhằm nâng cao thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng theo kế hoạch sản xuất năm 2024 của Việt Nam, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Soán ngôi Trung Quốc, Pháp trở thành khách hàng lớn thứ 2

Về thị trường, Phillipines vẫn giữ vị trí nhà nhập khẩu gạo Việt lớn nhất với gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8% về trị giá so với tháng 12/2023. Giá trung bình đạt 691 USD/tấn, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước.

Đáng chú ý, vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ 2 đã có sự thay đổi. Nếu như năm 2022 và 2023, Trung Quốc và Indonesia lần lượt chiếm giữ vị trí này thì bước sang tháng đầu năm 2024, Pháp vươn lên vị trí thứ 2 với sản lượng nhập khẩu tăng đột biến.

Sản lượng xuất khẩu gạo sang Pháp trong tháng 1 đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Giá bình quân đạt 1.040,2 USD/tấn, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.