Xuất khẩu nông sản sang Algeria: Cần cẩn trọng, tránh lừa đảo

(VOH) - Chiều 18/4, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) và Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) gửi cảnh báo đến các doanh nghiệp sau khi Thương vụ Việt Nam tại Algeria cảnh báo lừa đảo khi xuất khẩu sang Algeria.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria thông tin, tháng 8/2022, một công ty Việt Nam đã xuất khẩu sang Algeria 5 container hạt điều qua trung gian là một doanh nghiệp đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi đặt cọc 10% giá trị tiền hàng.

Khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là công ty Eurl ATS Food của Algeria không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022.

Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận.

Theo hải quan cảng Mostaganem, công ty ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng.

Xuất khẩu nông sản sang Algeria: Cần cẩn trọng, tránh lừa đảo 1
Ảnh minh họa - Internet 

Theo quy định, hàng hoá nằm tại cảng 4 tháng rưỡi kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ.

Thông tin mà Thương vụ Việt Nam tại Algeria có được, Eurl ATS Food là công ty TNHH quốc tịch Algeria.

Eurl ATS Food hoạt động trong các lĩnh vực nhập khẩu lúa mỳ, đại mạch, tấm lúa mỳ, các loại hạt và gạo, nhập khẩu sản phẩm xay xát như bột mỳ, bột lúa mạch, bột lúa miến, bột gạo và các loại bột khác (tinh bột, gluten, malt).

Để tránh các rủi ro xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam không giao dịch với công ty Eurl ATS Food.

Cần tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi giao dịch như đề nghị cung cấp bản sao giấy phép kinh doanh, mã số thuế, hộ chiếu trang có ảnh của người đại diện hợp pháp công ty và nhờ các cơ quan chức năng thẩm tra; không nên quá tin tưởng vào công ty môi giới dù làm việc lâu năm và cần kiểm tra thông tin đối tác nhập khẩu.

Nếu tiến tới giao kết hợp đồng thương mại, cần chọn phương thức thanh toán thư tín dụng (L/C) không hủy ngang có xác nhận hoặc nhờ thu qua ngân hàng (DP, CAD at sight) yêu cầu khách đặt cọc từ 20% trở lên.

Do ngân hàng Algeria không cho phép chuyển tiền đặt cọc từ trong nước nên có thể đề nghị khách đặt cọc ngoài Algeria. Người bán nên thỏa thuận, đề nghị khách thanh toán 100% tiền hàng trước khi tàu cập cảng Algeria để chủ động kiểm soát tiền hàng.

Bình luận