Xuất khẩu vải thiều sang châu Âu thông qua “thương mại điện tử xuyên biên giới”

(VOH) - Mới đây, 3 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Châu Âu lần đầu tiên thông qua mô hình “thương mại điện tử xuyên biên giới".

Để có thể vận hành luồng hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, Sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò bắt tay xây dựng gian hàng Vỏ Sò Global từ tháng 3/2021. Gian hàng này là nơi để người tiêu dùng tại nước ngoài, đặc biệt là Kiều bào Việt Nam có thể tìm mua các sản phẩm chất lượng có xuất xứ Việt Nam.

Sau khi người tiêu dùng đặt hàng, sàn thương mại điện tử này sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều sẽ được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu.

Xuất khẩu vải thiều sang Châu Âu thông qua “thương mại điện tử xuyên biên giới” 1
 3 tấn vải thiều Bắc Giang vận chuyển hàng không qua Đức. 

Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và Châu Âu, và được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng qua ứng dụng được cung cấp bởi iCheck.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá: “Nước ta đã xuất khẩu trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á... rất nhiều. Tuy nhiên, xuất khẩu qua thương mại điện tử đều thông qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới này là dấu mốc đặc biệt. Có thể coi đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành thương mại điện tử nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu.”

Với thành công của sản phẩm mở đường là vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng khác ra thị trường thế giới, mục tiêu không chỉ là nông sản địa phương mà còn là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như thủ công mỹ nghệ, hay các sản phẩm nông thủy sản khác.