Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Xuất nhập khẩu tại chỗ và những điều doanh nghiệp cần lưu ý

VOH - Trường hợp xác định thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ.

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ 254, Đại diện Cục Hải quan TPHCM đã hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp những quy định cần lưu ý khi thực thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ. Trường hợp xác định thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thì không thuộc trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ.

dai-dien-lanh-dao-nganh-chuc-nang-trao-doi-voi-doanh-nghiep_20241219160821jpg_voh
Đại diện lãnh đạo ngành chức năng trao đổi với doanh nghiệp

Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ gồm:

a) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;

b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;

c) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

dai-bieu-tham-du-hoi-nghi_20241219160806jpg_voh
Đại biểu tham gia hội nghị

Tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 38/2018/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định: Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất xuất khẩu, và xuất khẩu sản phẩm gia công, người khai hải quan phải khai mã sản phẩm xuất khẩu, mã nguyên liệu, vật tư nhập khẩu phù hợp với thực tế quản trị, sản xuất của người khai hải quan tại chỉ tiêu mô tả hàng hóa theo hướng dẫn của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu; Chỉ tiêu khai báo số 1.78 Phụ lục 2 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định: Trường hợp hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất xuất khẩu khai: Mã nguyên liệu, vật tư, linh kiện, tên hàng hóa, quy cách, phẩm chất. Trường hợp hàng hóa là sản phẩm gia công đặt gia công ở nước ngoài khai: Mã sản phẩm, tên hàng hóa, quy cách, phẩm chất

Điểm a Khoản 2 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC, 39/2018/TT-BTC quy định: “Trường hợp quản trị sản xuất của tổ chức, cá nhân có sử dụng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm khác với mã đã khai báo trên tờ khai hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, xuất khẩu sản phẩm, tổ chức, cá nhân phải xây dựng, lưu giữ bảng quy đổi tương đương giữa các mã này và xuất trình khi cơ quan hải quan kiểm tra hoặc có yêu cầu giải trình”.

Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Theo quy định, thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện do người khai hải quan lựa chọn và theo quy định của từng loại hình và trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, người nhập khẩu tại chỗ phải làm thủ tục hải quan. Người nhập khẩu chỉ được đưa hàng hóa vào sản xuất, tiêu thụ sau khi hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan.

Bình luận