Đây là những bệnh nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho nhà vườn mà đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Nhận biết cây hồ tiêu bị bệnh chết nhanh
Bệnh thối gốc, chết dây còn gọi là bệnh chết nhanh. Bệnh có tên gọi như vậy là vì từ khi thấy cây tiêu “ủ rũ”, dây héo, lá bắt đầu chuyển vàng, rụng nhiều lá chỉ để lại dây, cành trơ trọi (các triệu chứng như trên diễn ra từ 7 – 10 ngày), sau đó cây tiêu chết rất nhanh trong vòng vài tuần lễ.
Một khi đã xuất hiện bệnh sẽ làm cây chết hàng loạt nọc tiêu dẫn đến việc phòng và trị bệnh rất khó khăn, tốn kém và thường không mang lại hiệu quả vì khi triệu chứng đã biểu hiện ra bên ngoài thì bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công trước đó 1 đến 2 tháng.
Bệnh thối gốc, chết dây nguyên nhân là loại nấm sống dưới đất, thích ẩm gọi là Phytophthora parasitica var. piperana. Nấm này thường phát sinh và phát triển lây lan trong thời gian mùa mưa, cao điểm là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa.
Nấm Phytophthora thường kết hợp với các loại nấm ở trong đất khác như Pythium, Fusarium, Rhizoctonia… cùng tấn công cây hồ tiêu làm cây chết rất nhanh. Nấm bệnh có thể xâm nhập được hầu hết bộ phận của cây như lá, rễ, thân, nhánh… đặc biệt là phần nằm trong đất và sát mặt đất.
Nhận biết cây hồ tiêu bị bệnh chết chậm
Bệnh chết chậm là khi thấy cây sinh trưởng chậm có dấu hiệu như bệnh chết nhanh như: thân èo uột, xuống lá, đốt rụng, rễ, gốc thối, phần mạch dẫn nhựa của thân dây có màu nâu đen… đến khi cây chết, quá trình này kéo dài vài tháng đến 2,3 năm.
Đặc điểm bệnh chết chậm do một loại nấm sống ở trong đất gọi là Fusarium oxysporum gây nên, bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn tiêu bị ngập úng, thoát nước kém, thiếu thông thoáng, bón thừa đạm.
Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu có thể phòng ngừa bằng các hình thức canh tác bền vững. Ảnh: N.Thi
Cách phòng tránh bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu
Theo Tiến sĩ Trương Hồng – quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cần lưu ý các vấn đề để kiểm soát bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu vào mùa mưa.
Cần trồng giống sạch bệnh khi bắt đầu.
Đất được xử lý mầm bệnh trong đất, bón lót nhiều phân hưu cơ, từ 15 – 20kg là tốt nhất.
Quan tâm nhiều đến bón phân hữu cơ, kiểm soát nguồn nấm bệnh.
Trồng cây với mật độ vừa phải, không nên trồng dày, xén tỉa phần cành nằm sát mặt đất khoảng từ 20 đến 30 phân.
Trồng xen với các cây khác như cà phê, dừa… sẽ giảm khả năng bệnh chết nhanh.
Hệ thống tưới tiêu tốt, tuyệt đối không để đọng nước trong vườn, nhất là khoảng thời gian giữa và cuối mùa mưa.
Bón phân đầy đủ và hợp lý giúp nâng cao khả năng tiêu chống chịu bệnh tốt hơn, nên chú ý bổ sung magie và vôi. Phân hữu cơ cũng rất tốt cho tiêu vì ngoài việc cung cấp thêm vi lượng cho cây, trong phân hữu cơ còn có hệ vi sinh vật đối kháng với mầm bệnh và tuyến trùng.
Cần bón bổ sung cho cây các chất vôi, magiê, phân hữu cơ hoai mục nhầm cung cấp những vi sinh vật đối kháng mầm bệnh.
Bệnh chết nhanh chết chậm thường là do nấm, nên cần thường xuyên kiểm tra rễ tiêu.
>>>> Nghe Cách kiểm soát bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu trong chương trình Kết nối Nhà nông
Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần. |