Thạc sĩ Mai Văn Trị - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ lưu ý nhà vườn về một số biện pháp chăm sóc tốt cho sầu riêng giai đoạn này.
Cần thực hiện các biện pháp đồng bộ chăm sóc tốt cho cây trong giai đoạn nuôi trái. Ảnh minh họa: internet
Theo Thạc sĩ Mai Văn Trị, giai đoạn này, nhà vườn cần phải tưới nước đầy đủ cho cây. Nếu cây thiếu nước sẽ làm giảm năng suất và chất lượng quả. Nếu có mưa trái vụ, mưa to trong thời kỳ này thì phải đảm bảo có hệ thống thoát nước tốt cho vườn vì nếu bị dư nước cũng làm cho trái rụng ảnh hưởng đến năng suất của cây.
Tiến hành tỉa thưa quả trên cây, có thể thực hiện 1 - 2 lần trong giai đoạn này. Lần đầu là 3 – 4 tuần sau khi cây ra hoa. Lần thứ hai, cách lần đầu khoảng 3 – 4 tuần. Những quả cần tỉa bỏ là những quả méo, bị sâu bệnh, quả mọc thành chùm. Việc này sẽ làm hạn chế sâu đục quả ở những quả chùm.
Trong giai đoạn này, cây cần được bón đầy đủ phân Kali, chiếm từ 40% – 80% lượng phân trong cả vụ và chia làm 2 lần bón. Lần thứ nhất, 60 ngày sau khi cây ra hoa. Lần thứ hai là kết thúc từ 40 – 45 ngày trước thu hoạch; tránh bón nhiều phân đạm, chỉ 1 lần sau khi cây ra hoa được 60 ngày. Những cây có biểu hiện thiếu một số yếu tố trung vi lượng thì bổ sung bằng cách phun qua lá.
Sau khi thu hoạch xong mùa vụ trước, nhà vườn nên bón bổ sung ngay lượng phân hữu cơ cần thiết cho cây. Lưu ý sử dụng phân hữu cơ chứa nhiều Kali như phân gà, dơi, cút.
Quản lý và phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại cho cây. Lưu ý các loại rầy phấn trắng, phấn xanh, sâu đục thân, rệp sáp, đặc biệt là bệnh loát thân chảy nhựa.
Tiến hành tỉa cành vượt, cành trong tán để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng với quả.
Để hạn chế việc giảm năng suất và chất lượng trái sầu riêng, nhà vườn cần có biện pháp ngăn ngừa hiện tượng cây đổ ngã, rụng trái, gãy cành khi có gió mạnh.
Tóm lại, để cây cho năng suất và chất lượng trái tốt, nhà vườn cần thực hiện các biện pháp đồng bộ chăm sóc tốt cho cây trong giai đoạn nuôi trái.