Tùy từng giai đoạn mà nhà vườn sử dụng cách bón phân như thế nào cho hiệu quả nhất, đặc biệt là giai đoạn mang trái.
Theo Phó giáo sư, TS Trần Văn Hưu – trường Đại học Cần Thơ, nhà vườn thường hay sử dụng phân bón qua lá trong điều kiện cây bị khô hạn hoặc ngập nước - khi cây không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ. Trong giai đoạn nuôi trái, cây lại cho năng suất trái cao, việc hấp thu dinh dưỡng qua rễ sẽ kém, do đó nhà vườn nên bổ sung dinh dưỡng cho cây qua lá, như thế sẽ giúp cây hấp thu nhanh và nuôi trái tốt hơn.
Ảnh minh họa: internet
Loại phân được sử dụng trong thời điểm trước khi hoa nở là Bo. Thời điểm sau hoa nở, nhà vườn sử dụng các loại phân thuộc canxi Bo giúp chống rụng trái non. Đối với loại sầu riêng hạt lép - Ri6, việc này sẽ giúp cây giảm hiện tượng cháy múi.
Sau khi đậu trái từ 10 – 15 ngày, với sầu riêng hạt lép, để giảm hiện tượng rụng trái non, nhà vườn dùng thuốc phun qua lá GA3 theo hướng dẫn,… đây là loại thuốc điều hòa sinh trưởng.
Lưu ý: Trong giai đoạn này, cây sầu riêng có nhu cầu bổ sung kali cao và bổ sung một số chất trung vi lượng cần thiết như sắt, kẽm, đồng.
Giai đoạn sau đậu trái khoảng 2 tháng, cần tăng cường thuốc Nitrat Canxi với nồng độ 0,2%, giúp chất lượng trái tốt, giảm hiện tượng trái bị sượng.
Sau 2 tuần, phun tiếp magie cũng với nồng độ 0,2% giúp cơm trái phát triển đầy đủ, hạn chế sượng.
Trước thu hoạch 1 tháng, cần bổ sung thêm thuốc Nitrat kali với nồng độ 0,1% giúp chất lượng trái tốt hơn.
Trong giai đoạn phát triển trái, lưu ý không sử dụng phân có lượng đạm cao vì sẽ làm trái bị sượng.
Như vậy, ngoài việc bón phân đầy đủ qua gốc, việc bón phân qua lá giai đoạn nuôi trái ở cây sầu riêng sẽ hỗ trợ quá trình phát triển trái và quyết định năng suất, chất lượng của trái, tăng hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.
>>>> Nghe Sử dụng phân bón lá cho sầu riêng giai đoạn nuôi trái trong chương trình Kết nối Nhà nông
Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần. |