Thanh long là cây nhiệt đới, thích hợp khí hậu nắng nóng, chịu hạn giỏi, không chịu được úng. Loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
Thanh long có thể trồng trên đất xám, đất phù sa, đất đỏ và đất phèn, nhưng yêu cầu đất phải thoát nước tốt, sau khi trồng 2-3 năm sẽ cho trái. Thanh long ra hoa vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, sau khi nở khoảng 2-3 ngày thì hoa tàn và kết trái và khoảng 1 tháng thì có thể thu hoạch trái. Tuy nhiên, vào mùa chính vụ này, giá bán thanh long không cao nên bà con nông dân thường ít quan tâm chăm sóc mà chủ yếu tập trung chăm sóc nhiều vào mùa trái vụ.
Trong vài năm gần đây nhiều người trồng thanh long đã thắp đèn để thúc cây ra hoa trái vụ. Sự thắp đèn dựa trên cơ sở thanh long là cây ngày dài, ưa sáng, nên khi dùng ánh sáng đèn để nâng cao thời gian kích thích tăng trưởng cho cây.
Nông dân thường sử dụng đèn tròn dây tóc có công suất 60W và 75W để kích cho thanh long ra hoa. Đại diện các hộ trồng thanh long ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Cứ mỗi năm bà con chong đèn 3 đợt: Đợt 1 bắt đầu từ tháng 10-12 với thời gian từ 10-12 đêm/đợt và thời lượng 8 giờ mỗi đêm. Đợt 2 (tháng 12-1) do trời lạnh hơn nên thời gian chong đèn sẽ kéo dài hơn, từ 15-20 đêm/đợt cũng với 8 giờ mỗi đêm. Đợt 3 (tháng 1-3) thì thời gian chong ngắn lại, từ 10-15 đêm/đợt và thời lượng cũng 8 giờ/đợt”.
Nhờ dùng đèn conpact mà người trồng thanh long tiết kiệm được một nửa tiền điện so với đèn sợi đốt. Ảnh: Danviet
Ttrước đây, hầu hết nhà vườn thanh long sử dụng bóng đèn tròn sợi đốt (60W-75W) để chong đèn thúc cây ra hoa trái vụ, tuy nhiên việc này cũng gây tiêu tốn điện năng cao khiến giá thành sản xuất tăng.
Hiện nay, phần lớn nhà vườn thanh Long tại Bình Thuận đã thay bằng các bóng đèn sợi đốt bằng bóng compact tiết kiệm điện. Theo ông Phan Tấn Khế, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, việc chong đèn compact sẽ tiết kiệm được 1/2 tiền điện so với đèn sợi đốt mà chất lượng thanh long ra hoa như nhau.
Cũng theo ông Khế, "Nếu sử dụng bóng sợi đốt để chong thì thanh long ra hoa đồng loạt, nông dân phải mất công lặt bỏ bớt, hơn nữa ở những đốt cây thanh long đã ra hoa thì vụ sau không ra nữa. Còn khi chong bằng đèn compact thì hoa ra ít hơn mà nông dân không mất công lặt bỏ hoa. Nhờ cách làm đó nên đến nay có khoảng 70% diện tích trồng thanh long trong tỉnh Bình Thuận chuyển từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm điện. Việc chuyển đổi này không đơn thuần là giảm chi phí sản xuất thanh long mà còn góp phần tiết kiệm điện, hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, dù thực tế người trồng thanh long dùng bóng đèn compact mang lại hiệu quả tốt, tiết kiệm chi phí nhưng giá thành đầu tư ban đầu khá lớn nên việc nhân rộng còn tùy vào điều kiện của từng địa phương, từng nhà vườn.