Đài PT-TH Cần Thơ: Đau đáu chuyện “Thiếu chế biến sâu, trái cây Việt khó lớn”

(VOH) – Bà con thì ngóng thương lái, thương lái lại chờ tín hiệu của thị trường. Trong khi trái cây đã chín tới thì không thể chờ được ai cả…

Câu chuyện đau đáu bao đời của những nhà vườn ở miệt trái cây ngọt lành Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và nhiều vùng nguyên liệu nông sản nói chung.

Nội dung thi của Đài PT - TH Cần Thơ là Chương trình «Tái cơ cấu nông nghiệp», phát trên kênh phát thanh Cần Thơ FM 97,3 MHz - Trực tuyến: Canthoradio.vn và Livestream trên FanPage: TRUYENHINH CANTHO.

MC Ngọc Diễm chia sẻ: “Là một người con miền Tây Nam bộ, tôi luôn trăn trở với việc trái cây vốn là đặc sản ở ĐBSCL nhiều khi phải lâm cảnh “giải cứu”. Vì vậy ê-kip tham gia phần thi trực tiếp của Liên hoan phát thanh toàn quốc 2022 đã chọn chủ đề này với mong muốn chia sẻ rộng hơn câu chuyện giải pháp chiến lược để trái cây được mùa được giá.

Đài PT-TH Cần Thơ đau đáu chuyện “Thiếu chế biến sâu, trái cây Việt khó lớn” 1
Phần thi của Đài PT - TH Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Duyên)

Phần thi của Đài PT-TH Cần Thơ phản ảnh việc nông sản của khu vực bị ách tắc trong khâu tiêu thụ diễn ra thường xuyên, đồng thời chuyện “tắc biên” cũng đã làm cho nhà vườn và doanh nghiệp miền Tây đã khó lại càng chồng thêm khó.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - Chuyên gia kinh tế về chế biến chuyên sâu ở Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chế biến sâu nhưng còn lúng túng trong việc quyết định đầu tư, chọn lựa công nghệ, và lo ngại thị trường đầu vào nguyên liệu chưa ổn định. Nhưng chúng ta cần suy ngẫm về việc, tại sao nhiều doanh nghiệp luôn hướng đến việc xuất khẩu trái cây và trái cây chế biến sâu cho các thị trường nước ngoài khó tính mà lại bỏ qua thị trường nội địa. Thị trường trong nước với dân số gần trăm triệu người và lượng khách du lịch tại nước ta là vô cùng lớn”.

Ông Trần Thái Nghiêm- PGĐ Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho biết: “Sở nỗ lực hỗ trợ liên kết và các chính sách về liên kết cho bà con trên địa bàn, xây dựng các nguồn nhiên liệu chất lượng, giúp người nông dân xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vùng truy xuất nguồn gốc, kết nối các thị trường tiêu thụ”… Theo ông Trần Thái Nghiêm “đã đến lúc người trồng trọt không chỉ canh tác theo nhu cầu thị trường tại một số thời điểm nào đó mà phải đáp ứng yêu cầu từ phía doanh nghiệp; sản xuất nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn hiện tại về chất lượng…”

Chọn cách kết nối với nhiều đầu cầu, qua đó trao đổi với đại diện các đại lý thu mua, doanh nghiệp, người trồng cây, sở Nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ…. Dụng ý của ê-kip muốn làm rõ mối quan tâm của từng bên trong liên kết nhà vườn – doanh nghiệp thu mua – nhà nước, tìm tiếng nói chung của các “nhà” trong việc hướng đến giải pháp bền vững cho trái cây.

Đài PT-TH Cần Thơ đau đáu chuyện “Thiếu chế biến sâu, trái cây Việt khó lớn” 2
Người dẫn chương trình Ngọc Diễm (Đài PT - TH Cần Thơ). Ảnh: Hà Lan

Các khách mời nhìn nhận vấn đề mấu chốt là phải tăng cường chế biến sâu, giảm dần tỷ trọng trái cây xuất tươi và thô như hiện nay. Thực tế cho đến nay chế biến sâu vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị trái cây đồng bằng. Cây ăn trái có rất nhiều dư địa để phát triển, và chế biến sâu chính là giải pháp cốt lõi cho vấn đề bảo quản và tiêu thụ để giải bài toán tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu trái cây.

Chế biến sâu nông sản là khái niệm vẫn còn chưa phổ biến ở Việt Nam. MC Minh Đức chia sẻ anh "mong mỏi qua Liên hoan phát thanh toàn quốc 2022, chủ đề này sẽ được đồng nghiệp ở các báo, đài và người theo dõi chương trình quan tâm hơn", góp phần tạo tiền đề cho chiến lược phát triển nông sản nước nhà, cho những mùa quả ngọt lành trọn vẹn./.