Hội thảo tìm kiếm những giải pháp mới, những cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất các chương trình phát thanh giải trí. Bên cạnh đó là những cách thức định dạng xu hướng giải trí trong bối cảnh có nhiều lựa chọn từ mạng xã hội và các kênh trực tuyến và quan trọng là làm thế nào để phát thanh đáp ứng nhu cầu của thính giả đang ngày càng đa dạng, cá nhân hóa sâu sắc…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Công Đồng – Giám đốc VOH cho hay, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) là một đơn vị chuyên làm phát thanh, từ khi thành lập năm 1976, VOH rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ giải trí trên sóng phát thanh. Từ làn sóng Đài, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã lan tỏa tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân sau giải phóng. Năm 1997, Đài đã tiếp nhận và xây dựng kênh Thông tin Thương mại Giải trí 99.9 Mhz trở thành kênh phát thanh chuyên thực hiện chức năng văn hóa-giải trí phục vụ thính giả trong thời kỳ đổi mới.
Những năm qua, Đài đã thực hiện nhiều nội dung văn nghệ-giải trí đa dạng trong đó, nhiều chương trình có sức sống lâu bền, đã bước ra khỏi khuôn khổ của làn sóng phát thanh, hình thành nên những thương hiệu trong xã hội như chương trình Làn sóng xanh, Bông lúa vàng, Giọng hát hay hàng tuần, Giọng ca cải lương hàng tuần…Tuy nhiên bước sang giai đoạn bùng nổ thông tin từ cuộc cách mạng số hóa, các chương trình văn nghệ giải trí sản xuất theo phương thức truyền thống gặp rất nhiều thách thức. “Chúng ta phải cạnh tranh khốc liệt về nội dung với các loại hình giải trí mới, phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Bên cạnh đó, vấn đề nội tại của đơn vị làm phát thanh là những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc triển khai ý tưởng và phương thức chuyển tải…Có thể nói, đây cũng là một vấn đề quan tâm chung của những người làm phát thanh tại các địa phương hiện nay” – ông Lê Công Đồng phân tích.
Trong điều kiện bùng nổ giải trí trực tuyến như hiện nay, phát thanh cần có sự liên kết, với các nền tảng khác để vừa tiếp cận thêm lượng thính giả mới, vừa phát huy và khai thác cơ sở dữ liệu để phát triển trên các nền tảng như Facebook, youtube, tiktok và podcast. Mang đến hội thảo với tham luận vị thế Radio trong thời kỳ mới và tầm quan trọng của hệ sinh thái trực tuyến của VOH, ông Nguyễn Quốc Bình – Phó Giám đốc Đài TNND TPHCM thông tin, nắm bắt xu thế này, VOH đã gìn giữ và phát huy những thương hiệu giải trí trên làn sóng như bảng xếp hạng âm nhạc Làn Sóng Xanh hơn 25 năm, Giải Bông Lúa Vàng gần 3 thập kỷ tỏa sáng tài năng cải lương, hay chương trình Quà tặng âm nhạc, khung hình thứ 25, khách đến chơi nhà… thu hút lượng lớn thính giả và giới mộ điệu lắng nghe, điểm đến thân thuộc của giới văn nghệ sĩ miền nam.
“Đài đã nỗ lực xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, tập trung tài nguyên nội dung để khai thác hiệu quả nhất chất lượng làn sóng trên các nền tảng số. Đài đang nỗ lực xây dựng và hoàn chỉnh hệ sinh thái VOH, tích hợp đa phương tiện toàn bộ hệ thống dữ liệu sản xuất nội dung, nâng cấp hạ tầng Trang tin điện tử tích hợp nền tảng Podcast đáp ứng nhu cầu nghe online đang là xu thế thưởng thức và giải trí tất yếu của thời đại 4.0” – ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Có thể nói, chuyển đổi số hóa là một lộ trình khó khăn nhưng không còn sự chọn lựa nào khác cho định hướng phát triển của thời đại truyền thông số và trí tuệ nhân tạo. Phát thanh phải chắp thêm đôi cánh đa phương tiện cho chính mình trên hành trình gìn giữ, lan tỏa tiếng nói, thanh âm của thông tin, giải trí và niềm tin.