Chờ...

Cách bảo quản sữa mẹ như thế nào mới là tốt nhất?

(VOH) - Với những mẹ có lượng sữa dồi dào hay những mẹ sắp phải đi làm thì cách bảo quản sữa mẹ như thế nào là khoa học luôn là vấn đề được nhiều mẹ quan tâm.

Những chia sẻ về cách bảo quản sữa mẹ khi vắt ra ngoài sẽ được bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa dinh dưỡng, bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh cần được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đạm, chất bột đường, vitamin, khoáng chất cùng các yếu tố vi lượng khác để giúp bé có thể phát triển khỏe mạnh.

Trong những năm trở lại đây, mặc dù có nhiều chị em phụ nữ đã ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ và cho con bú bằng sữa mẹ khá nhiều. Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em phải đi làm lại do hết thời kì nghỉ thai sản nên thời gian cho trẻ bú sữa mẹ ngày càng giảm đi.

Đặc biệt, xu hướng của các bà mẹ hiện nay là hút sữa mẹ ra bình, sau đó cho bé bú bằng bình để có thể đảm bảo được nguồn sữa mẹ cho con cũng như không làm ảnh hưởng đến công việc.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy việc vắt sữa mẹ ra bình cho bé bú là việc làm không tốt, bởi sữa đó có thể sẽ bị thiu, bị hư… nếu như bình sữa hoặc bàn tay người mẹ chưa được rửa sạch hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc để sữa mẹ ở môi trường bên ngoài lâu sẽ làm cho các kháng thể có trong sữa mẹ bị mất hoạt động, không thể tạo ra sức đề kháng cho cơ thể để chống lại bệnh tật nên trẻ sẽ dễ mắc các bệnh lý nhiều hơn.

bac-si-bv-hanh-phuc-chia-se-ve-cach-bao-quan-sua-me-trong-tu-lanh-VOH

Một số lưu ý khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh mẹ bỉm sữa cần nhớ (Nguồn: Internet)

1. Cách bảo quản sữa mẹ đã vắt ra ngoài

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa dinh dưỡng, BV quốc tế Hạnh Phúc cũng cho biết, trong những trường hợp chị em phụ nữ đã nghỉ hết thời gian thai sản, bắt đầu đi làm nhưng vẫn muốn cho con có thể tiếp tục bú sữa mẹ thì vẫn có thể vắt sữa ra bình dự trữ nhưng cần lưu ý đến những vấn đề sau:

  • Nếu trẻ sẽ bú sau 3 – 4 tiếng nữa thì sữa mẹ nên để trong phòng có nhiệt độ bình thường, khoảng 26 – 28 độ C là phù hợp và không cần thiết phải trữ sữa trong tủ lạnh. (Khi bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng thì không nên để sữa hơn 4 tiếng, nếu trời nóng không nên để hơn 1 tiếng)
  • Nếu sữa mẹ cần được dự trữ từ 5 – 24 tiếng mới cho trẻ bú thì nên cho sữa vào ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi cho trẻ bú, mẹ cần đem sữa ra chưng trong nước ấm để ủ ấm sữa lại.
  • Nếu sữa phải để trên 24 tiếng hay phải dự trữ lâu hơn thì nên cho sữa vào ngăn đá. Khi cần sử dụng thì phải để sữa xuống ngăn mát khoảng ½ đến 1 ngày để rã đông, sau đó chưng vào trong nước ấm rồi mới cho trẻ bú.

Lưu ý: Sữa mẹ khi dự trữ trong ngăn đá có thể để được 3 tháng (phụ thuộc vào nhiệt độ trong ngăn đá và tần suất đóng - mở cửa tủ) và 6 tháng nếu để trong máy ướp lạnh. Tuy nhiên, không nên bảo quản sữa mẹ quá lâu mà nên cho trẻ dùng sớm nhất có thể.

Mặc dù đây là việc bắt buộc phải làm với những người mẹ hết kỳ thai sản hay vì một lý do gì đó, tuy nhiên, bác sĩ Phượng cũng nhấn mạnh rằng việc cho con bú sữa trực tiếp từ vú mẹ sẽ giúp tạo ra được nguồn sữa tốt hơn và các chất dinh dưỡng có trong sữa mới được bảo toàn một cách tốt nhất.

2. Sử dụng bình trữ sữa nào là thích hợp?

Bình thủy tinh được xem là chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ vì các thành phần có trong sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt nhất trong chất liệu thủy tinh.

Nếu không có bình thủy tinh, mẹ có thể sử dụng bình nhựa cứng, chất lượng tốt và nên chọn bình dành riêng để trữ sữa.

Không nên sử dụng túi trữ sữa vì:

  • Sữa có khả năng dính vào 2 bên mép túi, làm giảm khối lượng sữa.
  • Sử dụng túi trữ sữa có nguy cơ bị rò rỉ nhiều hơn. Cũng có những chiếc túi đựng sữa chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá đắt, do đó mẹ hãy cân nhắc kỹ khi chọn mua sản phẩm này.

Một số thông tin về cách bảo quản sữa mẹ được bác sĩ Đào Thị Yến Thủy chia sẻ trong chương trình Con Khỏe Mẹ Vui được phát trên phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói nhân dân TPHCM hy vọng sẽ mang đến cho các bà mẹ những thông tin thật sự hữu ích và cần thiết trong việc bảo quản sữa cho trẻ để bé có thể được phát triển tốt nhất từ nguồn sữa mẹ.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ cuộc trò chuyện với bác sĩ tại audio bên dưới: