Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì?

(VOH) – Khám sức khỏe tiền hôn nhân là cách giúp các cặp đôi sàng lọc được các bệnh lý sinh sản, phát hiện sớm các vấn đề về di truyền, vô sinh, hiếm muộn,... để có thể chữa trị kịp thời.

1. Tại sao phải khám sức khỏe tiền hôn nhân?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Phòng khám SIM Medical Center) vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân ở Việt Nam hiện vẫn chưa được nhiều người quan tâm, bởi có không ít các trường hợp người phụ nữ đã mang thai sau đó mới phát hiện những vấn đề về sức khỏe như: thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp... Đây là những bệnh lý nếu không được điều trị ổn định trước khi mang thai sẽ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-la-kham-nhung-gi-voh

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm các vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (Nguồn: Internet)

Do đó, việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân của cả 2 vợ chồng trước khi đi đến hôn nhân sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân hai vợ chồng cũng như con trẻ sau này.

2. Ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước đầu tiên trong việc đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của các cặp đôi trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, đồng thời giúp bạn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Ngoài ra, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có ý nghĩa trong việc phát hiện các vấn đề bệnh lý di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ sinh ra, chẳng hạn như:

2.1 Bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)

Là một bệnh lý huyết học bất thường khiến cho các tế bào máu, tế bào hồng cầu nhỏ hơn so với tế bào bình thường và luôn trong tình trạng thiếu oxy cung cấp cho cơ thể. 

Người bệnh thường sẽ bị kém phát triển về thể chất cũng như sức khỏe, trí lực về lâu dài. Những trường hợp bệnh nặng cần phải được truyền máu suốt đời. Đối với trẻ bị bệnh Thalassemia bẩm sinh thể nặng có thể sẽ không sống được qua khỏi những năm đầu đời.

Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm trong lúc khám sức khỏe tiền hôn nhân bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị để các cặp đôi có thể sinh ra được một em bé bình thường.

2.2 Bất thường nhiễm sắc thể (NST)

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân bác sĩ có thể phát hiện ra những gen bất thường trên cơ thể nam giới hoặc nữ giới. Từ đó, bác sĩ sẽ tham vấn về các yếu tố di truyền cũng như tỷ lệ em bé có thể mắc bệnh khi ra đời. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ theo dõi trong suốt quá trình mang thai của người phụ nữ để có thể ngăn chặn kịp thời những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Lưu ý: Bệnh Down không phải là bệnh di truyền, tuy nhiên nó có khả năng làm tăng nguy cơ nếu trong tiền sử gia đình mỗi bên (vợ hoặc chồng) có người bị dị tật hoặc bị bệnh Down.

3. Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?

Thông thường, khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ bao gồm 2 hạng mục, đó là: khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản. 

3.1 Khám sức khỏe tổng quát

Một số kiểm tra sức khỏe tổng quát thường được áp dụng là:

  • Kiểm tra sức khỏe chung: Đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang,...
  • Khám các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh HIV, giang mai, lậu, viêm gan B,... 
  • Xem xét tiền sử của vợ và chồng cũng như gia đình hai bên.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì? 2

Nên thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân để bảo vệ hạnh phúc gia đình (Nguồn: Internet)

3.2 Khám sức khỏe sinh sản

Đối với chức năng sinh sản, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ trục nội tiết của nam và nữ:

Cho nam giới

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ để kiểm tra số lượng, chất lượng, hình dạng và khả năng di chuyển của tinh trùng.
  • Kiểm tra các vấn đề về tinh hoàn, rối loạn xuất tinh.
  • Nội tiết tố sinh dục.

Cho nữ giới

  • Soi tử cung.
  • Kiểm tra buồng trứng.
  • Soi tươi dịch âm đạo.
  • Kiểm tra hormone sinh dục. 

Cho cả nam và nữ

  • Khám và kiểm tra một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như: tiêu đường, cao huyết áp,...
  • Kiểm tra những bất thường về nhóm máu.
  • Khám sàng lọc di truyền, bất thường gen và những kiểm tra chuyên sâu hơn (nếu có nhu cầu).

Theo Ths, BS Thanh Tâm, các cặp đôi nên tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân khoảng 6 tháng đến 1 năm trước thời điểm kết hôn để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống sau hôn nhân cũng như việc mang thai và sinh con.

4. Những bệnh lý cần phải được quan tâm và điều trị trước khi kết hôn

Một số bệnh lý các cặp đôi cần phải quan tâm và điều trị trước khi kết hôn đó là:

  • Bệnh lý liên quan đến sức khỏe tổng quát như: bệnh về tim, phổi, gan, thận, động kinh, tiểu đường, cao huyết áp hoặc các vấn đề về thính giác.
  • Bệnh lý liên quan về sinh sản như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc những bất thường về biến đổi tế bào tử cung.
  • Các trình trạng viêm nhiễm, bệnh lý nhiễm trùng tại cơ quan sinh sản.
  • Những bất thường về chức năng sinh sản như: vô sinh, hiếm muộn.

Lưu ý: Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân nếu chị em được khuyến cáo cơ thể chưa đủ kháng thể cần thiết để phòng ngừa các bệnh như viêm gan B, rubella, thủy đậu... thì chị em nên tiêm phòng vắc-xin trước khi kết hôn.

5. Khám sức khỏe tiền hôn nhân ở đâu, bao nhiêu tiền?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể được thực hiện tại các khoa sản phụ của các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, khoa Nam học của các bệnh viện. Một số trung tâm Y tế dự phòng hoặc các phòng khám đa khoa cũng có thể thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân. 

Thông thường, một gói khám sức khỏe tiền hôn nhân cơ bản sẽ dao động trong khoảng từ 800.000 – 900.000 đồng. Với những gói khám cao cấp chi phí có thể khoảng 2.000.000 đồng.

Như vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có vai trò rất quan trọng đối với các cặp đôi khi chuẩn bị lập gia đình, bởi nó sẽ giúp dự phòng các bệnh lý sinh sản, hạn chế phát hiện muộn các căn bệnh di truyền, vô sinh...cũng là bước đầu tiên để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn của bài viết tại video dưới đây: