Vacxin phòng viêm gan B là một trong những loại vacxin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, vacxin viêm gan B còn được dùng cho những người có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao hoặc giúp ngăn ngừa các biến chứng từ bệnh.
1. Vacxin viêm gan B là gì?
Vacxin viêm gan B (vacxin HBV) là một loại vacxin tổ hợp giúp chống lại virus viêm gan B – nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gan B, xơ gan và ung thư gan.
Theo nghiên cứu của các bác sĩ, vacxin viêm gan B được sản xuất bởi kỹ thuật di truyền. Trong đó, HBsAg chính là một loại kháng nguyên cực kỳ quan trọng của vacxin này. Đây là loại kháng nguyên được hình thành trong tế bào các loại động vật và nấm men.
Vacxin viêm gan B chứa phần kháng nguyên vỏ của virus HBsAg được tinh chế cao và không nhiễm bệnh. Khi tiêm vacxin vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể đặc hiệu để chống lại kháng nguyên này (anti-HBs).
Miễn dịch chống lại viêm gan B được chủ động tạo ra chỉ cần với nồng độ kháng thể anti-HBs cao nhất trên 10lU/L, được cho là có ý nghĩa tương quan với sự bảo vệ lâu dài chống nhiễm virus viêm gan B.
Mặc dù sau khi tiêm vacxin viêm gan B, bạn sẽ được bảo vệ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, số lượng kháng thể sẽ giảm dần, vì thế việc theo dõi định kỳ và tiêm nhắc lại là điều cần thiết nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm lâu dài.
1.1 Ai nên tiêm phòng vacxin viêm gan B?
Theo trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tất cả trẻ em nên tiêm vacxin viêm gan B lần đầu tiên khi mới sinh ra và hoàn thành các liều tiêm khi trẻ được 6 – 18 tháng tuổi. Trong trường hợp, trẻ chưa chủng ngừa (giai đoạn từ sơ sinh đến 19 tuổi), bạn có thể đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được tiêm chủng.
Ngoài ra, những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus viêm gan B hoặc các biến chứng của bệnh có thể sẽ diễn tiến nghiêm trọng hơn thì cũng nên cân nhắc việc tiêm phòng. Các nhóm đối tượng này bao gồm:
- Người sử dụng ma túy dạng tiêm hoặc có bạn tình sử dụng ma túy
- Người bị nhiễm HIV
- Những người có đời sống tình dục phức tạp
- Trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm viêm gan B
- Gia đình có người bị nhiễm viêm gan B
- Phụ nữ đang mang thai
- Người bị nhiễm viêm gan C
- Người mắc bệnh tiểu đường trong độ tuổi từ 19 đến 59 tuổi
- Người thường xuyên được truyền máu.
- Người bị bệnh gan mãn tính (xơ gan, gan nhiễm mỡ...)
- Người bệnh thận giai đoạn cuối, có sử dụng phương pháp lọc máu, chạy thận thân tạo, thẩm phân phúc mạc.
- Người làm công việc có nguy cơ tiếp xúc nhiều với máu hoặc chất dịch cơ thể, chẳng hạn như y tá, bác sĩ, nha sĩ, nhân viên phòng thí nghiệm...
- Người đã từng đi du lịch đến các quốc gia có bệnh viêm gan B phổ biến
- Người tìm kiếm đánh giá hoặc điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Bất cứ ai muốn được bảo vệ khỏi viêm gan B.
Xem thêm: ‘Điểm mặt’ những căn bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nhất
1.2 Ai không nên tiêm ngừa vacxin viêm gan B?
Vacxin viêm B là một loại vacxin an toàn dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bạn không nên tiêm ngừa loại vacxin này nếu:
- Bạn có một phản ứng dị ứng nghiêm trọng với liều tiêm vacxin viêm gan B trước đó
- Bạn có tiền sử dị ứng với nấm men hoặc bất kỳ thành phần vacxin nào khác
- Bạn đang mắc một bệnh lý cấp tính
2. Vacxin phòng viêm gan B cần tiêm mấy mũi?
2.1 Tiêm vacxin viêm gan B ở trẻ sơ sinh
Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vacxin ngừa bệnh viêm gan B ngay sau khi sinh trong khoảng 24 giờ. Chỉ sử dụng vacxin ngừa viêm gan B đơn giá để tiêm liều sơ sinh, sau đó trẻ có thể tiêm vacxin viêm gan B cùng vacxin phòng bệnh lao (BCG) nhưng sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau.
Ngoài mũi tiêm đầu tiên ở giai đoạn sơ sinh, trẻ được khuyến cáo tiêm thêm 3 mũi vacxin phòng viêm gan B theo phác đồ:
- Mũi thứ 2: Cách mũi tiêm đầu tiên 1 tháng (hoặc 28 ngày)
- Mũi thứ 3: Cách mũi tiêm thứ hai 1 tháng
- Mũi thứ 4: Tiêm nhắc lại sau một năm
Lưu ý: Vacxin phòng viêm gan B cho trẻ em có thể là vacxin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
Riêng với những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài mũi tiêm đầu tiên ngừa viêm B được tiêm ngay sau sinh như các trẻ khác, bé cần được tiêm thêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBlg trong vòng 12 – 24 giờ đầu sau sinh.
Khi trẻ được 15 – 18 tháng tuổi, bé cần được làm xét nghiệm kiểm tra HBsAg và anti HBs để chắc chắn cơ thể bé đã tạo ra được kháng thể bảo vệ, và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
2.2 Tiêm vacxin viêm gan B ở người lớn
Với người lớn, trước khi tiêm phòng viêm gan B cần làm xét nghiệm HBsAg và anti HBs (HbsAb) để biết mình đã nhiễm virus chưa và đã có kháng thể hay chưa.
Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg là dương tính, nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả. Nếu kết quả HBsAb là dương tính, nghĩa là bạn đã có kháng thể virus viêm gan B, lúc này bác sĩ sẽ dựa vào nồng độ HbsAb để xem có cần tiêm vacxin nữa hay không. Trường hợp cả 2 xét nghiệm đều âm tính, bạn sẽ được tiêm vacxin viêm gan B theo phác đồ:
- Mũi 1: lần đầu đến tiêm
- Mũi 2: Một tháng sau mũi 1
- Mũi 3: Sáu tháng sau mũi 1
Lưu ý: Vacxin phòng viêm gan B cho người người lớn có thể sử dụng vacxin đơn giá hoặc vacxin kết hợp (vacxin phòng viêm gan A + B).
Xem thêm: Những dấu hiệu này là cơ hội để bạn nhận biết viêm gan B sớm
3. Tác dụng phụ của vacxin viêm gan B là gì?
Giống như nhiều loại vacxin khác, vacxin viêm gan cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ở một số người. Tuy nhiên, các tác dụng phụ của việc tiêm vacxin thường chỉ kéo dài một đến hai ngày.
Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Đỏ, sưng hoặc ngứa tại chỗ tiêm
- Xuất hiện một đốm hoặc cục màu tím ở chỗ tiêm
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Khó chịu hoặc kích động, đặc biệt là ở trẻ em
- Đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Sốt trên 38.5 độ C
- Buồn nôn
Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Sốt, đau cổ họng, nhức đầu, nổi mẩn đỏ ở da
- Mờ mắt hoặc thay đổi thị lực
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Bị táo bón hoặc tiêu chảy
- Tim đập nhanh
- Dễ bị bầm hoặc chảy máu
- Buồn ngủ hoặc ngủ bất thường
- Có chuyển động giống như bị động kinh
- Ngất xỉu
- Trẻ nhỏ tỏ ra cáu kỉnh, khóc nhiều hơn 1 giờ
Người tiêm vacxin phòng viêm gan B gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu gặp phải những triệu chứng trên đây bạn hoặc con bạn nên được đưa đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc y tế.
Như vậy, nếu trẻ được tiêm ngừa vacxin viêm gan B ngay từ đầu một cách đầy đủ sẽ có khả năng phòng bệnh đến 95%. Tuy nhiên, lượng kháng thế này sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, các chuyên gia khuyến khích mọi người (cả người lớn và trẻ em) nên tiêm liều nhắc lại sau mỗi 5 – 10 năm kể từ mũi tiêm trước đó, để đảm bảo lượng kháng thể đủ cao nhằm chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B.