10 mẹo làm mát nhà cấp tốc cho những ngày nắng nóng

VOH - Không cần điều hòa, bạn vẫn có thể khiến căn phòng trở nên mát mẻ giữa ngày hè oi bức với các mẹo nhỏ dưới đây!

1. Làm mát sàn nhà

Với những căn phòng có sàn đá hoa, việc ngủ trên sàn là cách để chống nóng hiệu quả. Để làm mát sàn nhà, hãy lau nhà 2 - 3 lần/ngày bằng nước mát hoặc thêm đá vào nước để lau nhà rồi để khô tự nhiên. 

2. Tận dụng quạt gió

Nếu không có điều hòa, bạn có thể tận dụng quạt máy thông thường để làm mát căn phòng. Bằng cách đổ đầy đá vào tô lớn hoặc đặt một chai nước đá phía trước cánh quạt để gió mát hơn. Vào buổi tối, bạn có thể đặt máy quạt gần cửa sổ để thổi luồng gió mát bên ngoài vào trong nhà. 

3. Sử dụng quạt phun sương

So với điều hòa, quạt phun sương giúp tiết kiệm đến 75% điện năng, nhưng không hề thua kém về hiệu quả. Ngoài ra, loại quạt này còn làm tăng độ ẩm trong không khí, mang lại cảm giác dễ chịu trong những ngày nhiệt độ tăng cao. 

10 mẹo làm mát nhà cửa cấp tốc cho những ngày nắng nóng 1
Sử dụng quạt phun sương - Ảnh: VietNamNet

4. Treo mành hoặc một tấm vải ướt trước cửa sổ

Treo một tấm mành tre hay vải ướt trước cửa sổ hoặc phần tường nhà bị nắng chiếu dữ dội sẽ làm giảm nhiệt bức xạ vào căn nhà. Từ đó, ngôi nhà sẽ trở nên mát mẻ hơn. Trong thời tiết nắng gắt, bạn có thể “bơm” thêm nước cho mành hoặc miếng vải trên để giữ độ mát cho ngôi nhà. 

5. Bật quạt thông gió trong phòng tắm, nhà bếp

Lượng điện năng mà quạt thông gió tiêu thụ rất thấp nên bạn đừng ngần ngại bật quạt thông gió trong phòng tắm thêm từ 20 - 30 phút sau khi tắm để không khí nóng thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, hãy bật quạt thông gió ở phòng bếp nếu có. Chúng sẽ giúp hút bớt không khí nóng sau khi bạn nấu nướng.

6. Trang trí thêm cây xanh trong phòng

Với những căn phòng trọ có diện tích hạn chế, bạn nên ưu tiên chọn các chậu cây cảnh giống cây dây leo và sống thủy sinh như: cây vạn niên thanh, cây trầu bà,... đặt xung quanh hành lang để làm dịu mát không khí. Hoặc đặt những chậu cây cạnh cửa sổ, ở hướng Đông và hướng Tây căn nhà để giảm bớt cường độ ánh nắng chiếu vào bên trong căn phòng. 

Ngoài ra, bạn có thể trồng cây dây leo phủ kín tường để làm giảm sức nóng nhanh chóng và làm đẹp cho ngôi nhà. Các giống cây bụi cũng phát huy tác dụng tương tự khi trồng xung quanh nhà.

10 mẹo làm mát nhà cửa cấp tốc cho những ngày nắng nóng 2
Trang trí thêm cây xanh trong phòng - Ảnh: Pinterest

7. Cách nhiệt cho mái nhà

Đối với nhà phố, do thường chỉ có một mặt tiền, cả ba phía còn lại điều bị bít kín nên sức nóng của nắng vào nhà chủ yếu là từ phần mái. Để hạn chế, bạn có thể lựa chọn đóng thêm trần giả với các chất liệu chuyên chống nóng bằng thạch cao, túi xốp hơi cách nhiệt.

8. Hạn chế sử dụng đồ điện, tỏa nhiệt

Các thiết bị tỏa nhiệt có thể kể đến như tủ lạnh, lò vi sóng, bếp từ… 

Nhiệt độ cao bên ngoài cộng thêm với sự tỏa nhiệt của các thiết bị điện tử bên trong sẽ khiến ngôi nhà thêm bức bối. Để hạ nhiệt cho ngôi nhà, bạn cần tránh dùng các thiết bị này vào lúc cao điểm nhiệt nắng nóng như buổi trưa. 

9. Dùng đồ ngủ chất liệu mát

Một cách giảm sự bức bối trong ngày nắng oi là tránh xa bộ ga trải giường bằng chất liệu satin hoặc sợi tổng hợp. Thay vào đó là sử dụng các sản phẩm được làm từ vải cotton hoặc lụa. Trong đó, vải cotton có tác dụng thấm hút mồ hôi tốt, còn vải lụa có tác dụng làm mát da. 

Khi đi ngủ, bạn nên mặc đồ ngủ được may từ vải cotton sẽ giúp cơ thể mát mẻ, dễ chịu hơn.

10. Dùng màn che, rèm cửa, đóng, mở cửa phòng đúng lúc

Cửa sổ là nơi mặt trời chiếu vào, hấp thụ nhiệt cao nhất. Vì vậy, cách đơn giản là dùng rèm cửa để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào bên trong căn phòng. Lưu ý, cần chọn loại rèm được làm từ các vật liệu chắn nắng, màu sáng để hạn chế hấp thụ nhiệt và phản chiếu nhiệt ra khỏi nhà. 

10 mẹo làm mát nhà cửa cấp tốc cho những ngày nắng nóng 3
Sử dụng rèm cửa phù hợp - Ảnh: Pinterest

Ngoài ra, vào thời điểm nóng bức trong ngày, hãy đóng cửa các phòng không sử dụng đến để ngăn không khí mát tràn vào những không gian này một cách “phí phạm”.

Vào ban đêm, khi tiết trời mát mẻ hơn, bạn có thể mở cửa để tận dụng không khí lưu thông tự nhiên. 

Bình luận