Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, trong một gia đình nông dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, tham gia tổ chức Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội và Thanh niên cộng sản Đoàn, 18 tuổi trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ, 19 tuổi đồng chí Phạm Hùng đảm nhận trọng trách Bí thư tỉnh uỷ Mỹ Tho.
Năm 1931, đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt và kết án tù. Năm 1932, tòa án của bọn thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại Mỹ Tho, kết án tử hình Đồng chí Phạm Hùng và đưa đến giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án cho đồng chí xuống chung thân khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo.
Cách mạng tháng Tám thành công, ra khỏi nhà tù, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Đầu năm 1946, đồng chí Phạm Hùng được giao đảm trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam. Từ đây cho đến lúc ra đi, đồng chí đảm đương nhiều trọng trách. Dưới sự dìu dắt của Bác Hồ, dù ở cương vị nào đồng chí Phạm Hùng cũng đem hết tâm trí và sức lực để làm việc, cống hiến. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người Đại biểu của nhân dân trong Quốc hội các Khóa II, III, VI, VII, VIII.
Một trong những cống hiến quan trọng mà hậu thế ghi ơn với tư cách người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Hùng cùng tập thể lãnh đạo đã chèo lái đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn trong những năm đầu đổi mới. Tháng 6/1987, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là năm đầu tiên của công cuộc đổi mới. Lúc này, tình hình đất nước cực kỳ khó khăn: Khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt, kinh tế kiệt quệ... Đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Ngày 10/3/1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột ra đi trong lúc đang bộn bề công việc của đất nước, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và đồng chí, đồng bào.
Tuy chỉ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) trong thời gian ngắn (từ tháng 6/1987 đến tháng 3/1988), nhưng những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, tạo tiền đề cho những thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới đất nước ta.
Hiện nay, tại quê hương đồng chí là xã Long Phước, huyện Long Hồ có Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, nơi lưu giữ dấu ấn cuộc đời cách mạng trung kiên và đầy bản lĩnh của ông. Công trình được khởi công vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2004 nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng. Nơi đây lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng và tái hiện lại cuộc đời cách mạng của ông như: phòng biệt giam ông tại Côn Đảo, ngôi nhà làm việc tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam và phòng làm việc của ông tại số 72 Phan Đình Phùng- Hà Nội,…
Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Khu lưu niệm có diện tích trên 3 ha, cây xanh mát mẻ, là nơi người dân địa phương và du khách thường đến thăm viếng. Năm 2012, Khu lưu niệm được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2015, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận Khu lưu niệm là Điểm du lịch tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, khu lưu niệm liên kết với các trường học trên địa bàn huyện để khuyến khích các em học sinh cùng nhau chăm sóc một số khu vực trong khuôn viên, qua đó giáo dục truyền thống cho các em bằng những việc làm thiết thực”.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Hùng luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng và nhân dân ta. Cả cuộc đời hoạt động, đồng chí Phạm Hùng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; luôn yêu lao động, quý trọng thời gian, thể hiện phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, việc gì cũng có kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo và luôn nghiêm khắc với bản thân.
Và Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là nơi để hậu thế được biết, được hiểu, ghi ơn những cống hiến to lớn của ông. Đây là địa điểm thường được tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, đón tiếp khách tham quan, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên cùng nhân dân cả nước nói chung và Vĩnh Long nói riêng học tập và noi theo.